Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Tương tư cùng mùa hạ


        Hôm nay là ngày sinh nhật bạn Giang Tuấn Đạt, post một bài thơ của bạn lên đây để chúc mừng sinh nhật bạn ấy! Chúc cho bạn Đạt luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, nhẹ nhàng, vui tươi và làm thơ hay mãi...



                                    Có một chiều anh lạc bước đến đây 
                                    Trước cổng nhà em hoa tím giăng đầy
                                    Như thể gió cũng cùng anh hồi hộp
                                    Nửa muốn vào, nửa lại muốn đi ngay.

                                    Em sẽ nghĩ hẳn là do mùa Hạ
                                    Đã làm anh lú lẫn hết cả rồi
                                    Muốn vào thế mà sao không gõ cửa.
                                    Lại cứ thì thầm câu thần chú "Vừng ơi..."

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Nếu chỉ còn một chân


         Ông ngoại nếu còn sống chắc tự hào về đàn con cháu của mình lắm. Ba người con và 10 đứa cháu của ông, tất cả đều là những người gương mẫu và học hành đỗ đạt. Ông mất khi mình học lớp 12, vào ngày cuối cùng của năm âm lịch nên phải đưa ông đi vội vã, bởi vậy sự ra đi của ông luôn gợi cho mình cảm giác những giờ phút cuối cùng ấy chưa hề xa, như vừa mới đâu đây vậy. Tất cả các cháu của ông không biết mặt bà vì bà đã đi xa từ khi các con của bà vẫn còn niên thiếu, ông ở vậy hoạt động cách mạng và nuôi con, rồi chăm cháu, do vậy tình yêu các cháu đều giành cho ông hết, tiếc là khi ấy nhiều cháu vẫn còn bé thơ… 


         Mình nhớ những ngày mùa Đông giá lạnh tranh thủ 15 phút ra chơi chạy vào nhà bác ngay cạnh trường cấp 3 để lội xuống ao vớt cho ông rổ bèo ông nấu cám lợn vì thương ông mà chẳng dám nói ra. Nhớ ngày ông dặn khi ông nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng rằng khi ông mất nhớ đem chôn cùng cho ông… Nhớ ông mang về những quả cọ tím, ỏm ngon béo ngậy mỗi khi trở về nơi những ngày đầu tiên ông đưa gia đình lên Tây Bắc sinh sống... Nhớ dáng ông gầy, mắt sáng, da nhăn nheo, như bác Hồ thời trên Pác Pó vậy...


Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Kết thúc những ngày đầy kỷ niệm


        Ngày bế giảng khóa "Chúng em học làm chiến sĩ" diễn ra đầy xúc động. Nhìn con rơi những giọt nước mắt ngày chia xa mà thực sự cảm phục những thầy giáo, những anh chị tình nguyện viên đã gắn bó cùng các con những ngày ở đây. 

       Lưu lại một số hình ảnh trong ngày chia tay, để nhắc nhớ, để Tôm Ốc yêu thêm màu xanh áo lính, yêu nơi đã làm nên một kỷ niệm đẹp trong quãng thời gian tuổi thơ trong sáng này.


 Những chiến sĩ ưu tú của kỳ huấn luyện

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Thư động viên chiến sĩ


        Theo chương trình huấn luyện của trung tâm giáo dục quốc phòng nơi Tôm Ốc đang học đề ra, bố mẹ hãy gửi tới các con lời nhắn nhủ, động viên các con hoàn thành nhiệm vụ. Vậy là viết thư cho Tôm Ốc, bức thư này là bức thư đầu tiên gửi đến hai "chiến sĩ" xa nhà. Gửi đi, mà không biết sự kiềm chế cảm xúc trong ấy chỉ còn là lòng tin và sự đồng hành... có làm các con thấy thiếu?
    
***

        Thành và Đạt yêu quý!

        Lúc này, viết thư thăm hai chiến sĩ đang xa nhà của mẹ mà bỗng thấy hiện lên hình ảnh bức thư đầu tiên Thành viết cho mẹ 8 năm về trước.

        Bức thư ấy chỉ có duy nhất một dòng "Mẹ mang khẩu súng này đi để soi đường, con cho mẹ mượn nó đấy" đã làm mẹ ngỡ ngàng. Nếu tính ngược thời gian, các con sẽ biết khi ấy Thành đang học lớp 1. Đó là một buổi tối mùa Xuân nhưng trời còn lạnh lắm, trước khi đi ngủ mẹ có dặn Thành rằng ngày mai cơ quan mẹ đi Yên Tử, sẽ phải đi rất sớm, từ khi trời vẫn còn tối ấy nên mẹ sẽ đi ngủ trước, Thành học xong rồi ngủ sau. Sáng ra, mẹ nhẹ nhàng chuẩn bị đồ đạc thì nhìn thấy trên bàn có một tờ giấy được chặn bằng khẩu súng nhựa màu đen nhỏ xíu, khẩu súng đồ chơi này khi bóp cò sẽ phát ra tia laze chiếu xa chừng 2-3m, con rất thích nó và không cho một ai mượn bao giờ, nó như một tài sản quý giá nhất của con lúc ấy vậy. 


Gặp thầy của con


        Lâu lắm rồi mới đến lớp học võ của con. Năm năm trước, cứ 2 buổi một tuần sau giờ học, mình đèo Tôm Ốc từ trường Bình Minh trên phố Thợ Nhuộm đến Cung văn hóa Hữu Nghị để học Vĩnh Xuân. Nhớ ngày đầu, đến gặp thầy già mình thấy thầy không tỏ ra mặn mà hay vui vẻ gì khi có phụ huynh đến xin cho con theo học, thấy ngài ngại vì chẳng biết thế nào mà bày tỏ. Đến lần sau, gặp thầy trẻ thì cảm giác thoải mái hơn. Thầy trẻ vui vẻ, nhẹ nhàng và tỏ ra thân thiện, mình thấy bớt lo lắng phần nào vì mình biết, Tôm và Ốc mới học lớp 2 và lớp 3, sau một ngày gò bó ở trường sẽ như được sổ lồng, nghịch vô tổ chức, trong khi thầy giáo lại già, lớp học chủ yếu là các bác hơn cả tuổi bố mẹ rồi, khó hấp dẫn trẻ con lắm.

       Vậy là sau 2 năm, Ốc oằn èo nản chí rẽ ngang đòi đi học đá bóng, Tôm thì sĩ diện vì có một bạn còi, nhỏ hơn 1 tuổi đến theo học tiến bộ rất nhanh nên quyết chí tu tỉnh ganh đua! Giờ thì Tôm đã chuẩn bị lên lớp 9 cao 1,75m, đã chăm chỉ và thích học Vĩnh Xuân rồi.

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Tản mạn những ngày lười


         Sao mà lười ghê lười gớm thế này? Tự nhiên lại thiếu mất cảm xúc nữa chứ? Muốn đọc, muốn viết mà không biết viết gì, đọc gì ngoài những thứ đang có? Có bài viết về vụ Hoàng Sa năm 1974 của chú Quốc Việt gửi cho đọc từ ngày 20 tháng trước, muốn gửi thư cảm ơn chú mà cũng không biết viết thế nào? Viết rằng cảm ơn chú rất nhiều thì cứ vẫn cảm thấy không đủ. Viết bình luận về những chi tiết trong sự kiện ấy thì lại thấy mình không đủ kiến thức, trình độ để trao đổi về vấn đề đại sư quốc gia như thế. Vậy là im, như một đứa học trò vụng về trước một nhà nghiên cứu lịch sử có kiến thức uyên thâm vậy. 



Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Nơi ở đầu tiên khi đến Mỹ


       Trước khi đến Florida tôi không hỏi Mark bất cứ điều gì về thành phố Jacksonville, kể cả về ngôi nhà của Mark ở. Tôi tự tìm kiếm trên internet những thông tin về thành phố này, về lịch sử, dân số, văn hóa, di tích lịch sử, bảo tàng, sân bay, phương tiện công cộng và khí hậu, những cây cầu, những công trình kiến trúc nổi tiếng... Tôi biết, đến nơi này sẽ không còn cảnh xe máy chạy rào rào trên phố, không có những con phố ken đặc người xuôi ngược như muốn dính vào nhau, không có cửa hàng cửa hiệu tràn lan trên mỗi phố, không có cả cái nắng chói chang như thiêu đốt mỗi trưa hè... nhưng tôi lại không biết, không hề hình dung được ra khỏi trung tâm là những ngôi nhà kiểu biệt thự có ở khắp mọi nơi, phân bố đều khắp trong các khu vực ngoại vi thành phố, cho cảm giác trời đất nơi này thật là rộng lớn, hiền hòa...



Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Tôi đã bước đi rất miệt mài


        Tôi không nằm ngoài phạm vi những người từng hối tiếc vì đã không chăm học. Vì vậy, tôi cũng không nằm ngoài phạm vi những người làm cha mẹ mong con cái mình theo đuổi những hoài bão mà mình chưa làm được. Tôi từng ước mơ rất nhiều và cũng từng một lần bị bố tôi cảnh cáo rằng "con hãy bỏ ý định ấy đi, đừng có liều mạng nhảy ra khỏi tàu khi mà nó đang lao nhanh về phía trước" lần biết tôi chuẩn bị học xong năm nhất Đại học Luật lại có ý định thi lại vào Đại học Tổng hợp vì chỉ còn duy nhất Đại học Tổng hợp ngày đó có chỉ tiêu học sinh đỗ điểm cao sẽ được du học Châu Âu. Bố tôi cảnh báo vậy bởi vì việc tôi đang là sinh viên mà thi "chui" một trường nữa nếu trường phát hiện sẽ lập tức bị đuổi học, lúc ấy thì chỉ có toi.

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Chỉ là mơ thôi!



        Rất nhiều đêm, tôi có những giấc mơ kỳ lạ rằng tôi vẫn là một cô sinh viên còn rất trẻ, đẹp và hiền lành nhưng một ngày bình yên giật mình nhận ra bị lãng quên bởi người yêu duy nhất suốt nhiều năm bỗng nhiên hững hờ, không còn liên lạc... 

      Tôi vẫn tự hỏi, tôi có một tuổi trẻ trong sáng và tự tin, yêu và giữ gìn cuộc sống bằng tất cả sự nỗ lực, mọi người bên tôi cho đến giờ vẫn đang sống hạnh phúc khi có sự hiện diện của tôi. Tôi không hiểu tại sao giấc mơ ấy cứ nhiều lần lặp lại, rất nhiều lần lặp lại trong mấy năm gần đây. 

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Tôi đến Florida


         Tôi quyết định đến Florida thay vì đến New York khi Mark nói:

         - Đừng đến New York, Hà. Thành phố New York vô cùng nguy hiểm, không an toàn đâu. Hãy đến Florida, nhà anh có dư 1 phòng ngủ cùng 1 phòng vệ sinh, sẽ thoải mái cho Hà. Anh nghĩ, có thể ai đó cho rằng không quan trọng khi ở trong một gia đình người bản xứ, nhưng anh thì nghĩ khác, Hà hãy đến ở nhà anh, một gia đình Mỹ truyền thống, Hà sẽ cảm nhận được văn hóa gia đình ở đây thì khi đó Hà mới thực sự đến Mỹ. Đến đây, chúng ta sẽ có nhiều việc để làm và nhiều nơi để đến, đừng ngại.

         Vậy là tôi đã đến Jacksonville, thành phố nơi Mark đang sống với sự hướng dẫn, dặn dò tỉ mỉ của Mark trước lúc lên đường. 


Nhà riêng của vợ chồng Mark tại thành phố Jacksonville rất nhiều hoa hồng

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Khởi đầu một chuyến đi xa



       Chưa một lần nào mình ra sân bay Nội Bài lại thấy đông như vậy, đông nghịt luôn. Khu vực làm thủ tục các chuyến bay quốc tế xếp hàng dài dằng dặc, mình đến sớm hơn 2 giờ đồng hồ mà phải đợi mãi mới đến lượt.


 Hành lý gửi chỉ mỗi thế này thôi

        Hành lý gửi được phép 2 suitcase, mỗi chiếc 23kg vậy mà mình chỉ mang 1 lại có 19,5kg, kể cũng lãng phí. Tuy nhiên, mình hay cẩn thận, nghe nói Hải quan kiểm soát chặt chẽ hàng hóa vào Mỹ nhất là từ Việt Nam đến nên mình cứ tuân thủ, cái gì được phép, an toàn thì mang, tránh những vi phạm dẫn đến hối tiếc.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Hôm nay mình lên đường

     
       Hai ngày nữa là sinh nhật đồng chí Tiến, mình sẽ chúc mừng khi vừa đặt chân lên đất Mỹ. Ở nhà, mình đã cắm bình hoa, dịu dàng với những yêu thương để lại. Hôm ấy, cùng ngày sinh với Lê-nin, đồng chí cũng sẽ được cả thế giới này nhắc nhớ, bạn bè tự do nhậu nhẹt, chắc chắn vui!


      Tối nay mình lên đường. Một chuyến bay dài và không biết có mệt? Bay đêm, sáng ra sẽ transit tại Nhật, sau đó lại transit tại Dallas, một mình sẽ có nhiểu cảm xúc đây? Không có cảm giác bồn chồn hay háo hức như những lần đầu đi nước ngoài nữa vì biết rằng mỗi nơi mới sẽ mang lại nhiều điều mới, hiểu biết mới, vậy nên cứ để mọi điều đến một cách tự nhiên thôi. 


         Tối qua đã gọn gàng hành lý, một suitcase, một ba lô là đủ để lên đường.

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Mình sẽ đến nơi này


Jacksonville - Thành phố lớn nhất Hoa Kỳ

Jacksonville là một thành phố mơ ước mà bất kì ai đặt chân đến tiểu bang Florida cũng đều muốn đến thăm nó đầu tiên. Jacksonville là một xã hội kiểu mẫu với lối sống rất thân thiện, lịch sự, văn hóa, những di tích lịch sử lâu đời vẫn còn được bảo tồn, nền kinh tế phát triển, công nghệ hiện đại, cơ sở hạ tầng đều rất vững chãi. Hẳn bạn sẽ có những khám phá thú vị nhất tại thành phố xinh đẹp này !
Người dân ở đây gọi thành phố bằng cái tên thật ngắn gọn, gần gũi và dễ nhớ là “Jax” hay “J-ville”. Vào năm 1968, chính quyền đã có sự hợp nhất quận – thành phố nên Jacksonville trở thành đô thị rộng lớn nhất về mặt diện tích tại bang Florida cũng như nước Mỹ, xếp thứ 11 trên toàn thế giới.
Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich  Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Jacksonville  Thanh pho lon nhat Hoa Ky
Cảnh thành phố Jacksonville nhìn từ trên cao. Ảnh: en.wikipedia.org
Dòng sông St. Johns chảy từ phía bắc đi ngang qua phía đông thành phố rồi tiếp tục xuôi dòng đổ vào Đại Tây Dương. Con sông dường như mang một diện mạo khác khi chảy qua rìa thành phố, nơi có những câu cầu nổi tiếng uốn lượn bắt ngang, nơi có một cụm các tòa nhà cao chọc trời đang chen mình soi bóng xuống dòng sông.
 Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich  Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Jacksonville  Thanh pho lon nhat Hoa Ky
Main Street Bridge.Ảnh: forum.skyscraperpage.com

Vẫn nơi ấy


         Hôm Tết về quê, vẫn cứ lang thang đến dòng suối này. Đứng bên bờ thường hiện lên trong trí nhớ là cơn lũ cuồn cuộn cuốn trôi chiếc xe tải chở nước mắm từ miền xuôi lên bị chết máy giữa ngầm... 


Chiều đã tắt nắng nên không còn trong veo...

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Lâu quá rồi mới lại được viết


         Sau gần chục ngày chiến đấu đến hôm nay mình đã có thể mỉm cười sung sướng với kết quả đạt được. Tự nhận rằng mình thực sự quả cảm, bản lĩnh khi đối đầu với một ban bệ các thành viên đầu não của một trường đại học công lập nổi tiếng ở Hanoi này. Quá mĩ mãn khi nhìn thấy gia đình các em sinh viên đang bình tâm trở lại khi được nhà trường ghé vai nâng đỡ cục đá to đùng mà chính nhà trường lỡ tuột tay để rớt lên vai các em.