Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Trở lại góc đời riêng


Viết, có thời điểm đã như là một nhu cầu thiết yếu, vậy mà có những khoảng thời gian cũng hững hờ. Hôm nay, mở lại những trang viết cũ, thấy lại mình của thời gian đã qua, sao nhiều năng lượng?

Cafe một mình nơi góc phố quen, nói chuyện với chị phục vụ người gốc Hà Nội, về món bánh mì pate trứng ốp tại sao không có trong thực đơn trưa thay vì chỉ bún với phở, mà thấy chủ quán giàu có vẫn thuộc về đẳng cấp "nhà quê" bởi trong mắt chị anh ta và nhân viên của quán "rặt" là người Thanh Hóa.

Thế là lại biết về nguồn cơn người sở hữu được căn nhà góc phố đẹp như mơ giữa thủ đô Hà Nội này bắt nguồn từ dân chơi cờ bạc.

Tự mình hỏi mình,  thuộc về đâu khi về quê người ta gọi mình là người thành phố bởi đã "mất mặt" mấy chục năm rồi, chẳng cống hiến, chẳng ngợi ca và chẳng làm gì ngoài một hình ảnh ngày càng già hơn khi trở về và ra đi hào hứng mang theo bao sản vật "tinh túy" của người nhà quê quý tặng cho một người thành phố! 

Chợt thấy, mình như chẳng thuộc về nơi nào, trừ thuộc về một chàng trai Hà Nội... người đã chọn mình để đồng hành suốt những năm tháng đã qua, từ khi còn trẻ, từ khi mình mới rời xa quê...

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Ba mươi năm đã qua


Có những mối tình, mấy mươi năm vẫn mong ngày gặp mặt.
Đó là mối tình thầy trò, đó là tình thân với cô bạn chung bàn, với cậu bạn đẹp zai học chung từ lớp một...
Tỷ thứ để nhớ, để thấy nhau mãi là bạn, trong một biển người...
Tấm ảnh quý trong những ngày "lúc nào cũng vội" ☘️


Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

Ngày khai trường năm nay


Dư âm ngày khai trường năm nay là...
... bốn mươi năm trước, học lớp 1, vẫn nhớ những thứ được viện trợ của Liên-Xô lên ngôi trường của mình đang học. Nhớ những chiếc áo, tấm chăn, đồ chơi trẻ nhỏ...

Bốn mươi năm rồi, đất nước khác xưa rồi mà ngày hôm nay, những bản xa nơi biên giới Việt - Lào của chúng ta vẫn rất cần viện trợ, người dân trên bản vẫn chưa có điện, vẫn còn nhiều gia đình thiếu gạo, trẻ em thiếu giầy dép, áo quần...

Na Tông - Điện Biên, một xã vùng cao biên giới Việt Lào
Trở về, vẫn nặng lòng nơi ấy, vẫn mong một ngày còn làm được thêm cho nơi này...



Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

Nhớ ngôi nhà xưa

Bây giờ là tháng Năm, mùa mận chín, mới nhớ ra là ngày còn bé, có đủ thứ ăn mà giờ đây thành đặc sản. Nó tạo ra "khí chất" khi lớn là không thèm phải được ăn ngon hơn nữa!

Mình lớn lên hồn nhiên, nhưng chắc mẹ hài lòng có một đứa con gái như mình, đứa con gái đanh đá so với đám trẻ trâu trong xóm nhưng chăm học, chăm làm, và biết thương người như mẹ. Mẹ vất vả, nỗi vất vả của một cô giáo dạy học thời bao cấp, rời trường lớp là trở về với vườn rau, gà, lợn, như thể cuộc sống vốn là như vậy, không toan tính mà đầy dự cảm, logic, để đảm bảo ăn ngon mặc ấm cho ba đứa con.



Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Nhất định phải đọc!

Bài viết của giảng viên Điều dưỡng người Việt tại Đức!

Chào mọi người, lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này, nước Đức nói riêng và cả thế giới đang gồng mình chiến đấu với căn bệnh Covid-19

Trong lúc mình và đồng nghiệp,- những nhân viên y tế KHÔNG được nghỉ làm lúc này ,các bạn những người may mắn được nghỉ làm hay được work from home, mình khuyên là KHÔNG đi ra đường lúc này. Ai ở đâu thì ở yên lúc này, cũng đừng có ý định về VN, những người già 80-90 tuổi họ còn phải chiến đấu tại sao các bạn còn TRẺ mà đã lo chạy trốn. 

Hãy mua đủ đồ ăn và đóng cửa ở nhà nằm xem film hay nghe nhạc thay vì lên máy bay về nước vô tình bị nhiễm chéo và lây chéo cho ng khác nữa.

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Tìm em ở Mường Hum


Anh về Mường Hum tìm gặp lại em
Người ta bảo em đã lấy chồng chuyển đi nơi khác
Con suối nhỏ duyềnh lên khẽ hát
Hoa xoan rụng trắng đôi bờ


Những ngôi nhà dựng lên trên nền đất xưa
Chẳng còn nhận ra nơi phố cũ
Chân lạc bước giữa dòng người về chợ
Giật mình lắng nghe...tưởng tiếng em cười


Bát rượu năm nao sóng sánh mắt người
Kịp nắm tay em nhưng chưa kịp nói
Anh lên đường hành quân rất vội
Chiếc khăn em trao cùng anh vượt núi băng đèo.

Vẫn còn đây chênh vênh nhịp cầu treo
Xưa em vẫn gọi đùa: Bờ thương, bờ nhớ
Sao để anh chông chênh ở giữa
Nhận về mình cả bờ nắng, bờ mưa.

Đã xa rồi con đường đất ngày xưa
Giờ xe nối xe chờ vượt dốc
Đường nối liền rồi - em thì xa lắc
Bao giờ....em trở lại Mường Hum?


(Sưu tầm)

Vui: Hịch Covid


Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn khoẻ mạnh, chúng ta phải cách ly. 

Nhưng chúng ta càng cách ly nửa mùa, giặc cô vít càng lấn tới, 
vì chúng quyết tâm cho nước ta toang một lần nữa!
Không! chúng ta thà chết đói ở nhà chứ nhất định không chịu để cô vít lan toàn quốc, nhất định không chịu để hàng nghìn con người về chầu ông bà ông vải.

Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải ngồi im!
bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc,
hễ là người Việt nam thì phải ngồi im đánh đuổi cô vít.
Ai có ghế dùng ghế. ai có giường dùng giường, không có giường thì nằm lăn ra đất, ra sàn nhà, sàn bếp. ai cũng phải ra sức nằm im chống cô vít cứu nước.

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Bác sĩ YERSIN

 HIỆU TRƯỞNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

Dịch hạch- một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người- đã giết chết gần 2/3 dân số Châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Và người đã cứu thế giới ra khỏi "cái chết đen" kinh hoàng đó chính là thầy Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Hà Nội - Bác sĩ Alexandre Yersin.

Nhận bằng tiến sĩ khi mới 25 tuổi, cùng Roux khám phá ra độc tố bạch hầu và là 1 trong những người tham gia phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại, Yersin được xem là học trò xuất sắc nhất của Louis Pasteur.

Từ bỏ tương lai đầy hứa hẹn ở viện Pasteur Paris, Yersin chọn con đường lênh đênh trên biển, luồn lách trong những vùng núi hiểm trở dọc dãy Trường Sơn, vào ở trong những ngôi làng sắc tộc thiểu số để thỏa mãn niềm đam mê khám phá cho dù có lúc ông đã suýt mất mạng. Nhưng thật may là ông đã sống sót và tìm ra cao nguyên Lâm Viên và con đường đi bộ từ Trung Kì sang Cao Miên.

Năm 1894, khi nạn dịch hạch bùng nổ ở Hồng Kông gây tỉ lệ tử vong đến đến 95%, chính phủ Nhật bản đã cử đi một đoàn nghiên cứu do giáo sư Kitasato dẫn đầu với đầy đủ thiết bị hiện đại thì Yersin với chiếc vali đựng kính hiển vi cũ trong cái lán bằng tre phủ rơm cạnh đó trong chưa đầy 1 tuần đã tìm ra trực khuẩn dịch hạch và trở thành thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Với phát minh vĩ đại đó, Yersin không nhận một chút vinh quang nào cho mình. Ông từ chối tiếp các nhà báo, đặt tên trực khuẩn tìm thấy là Pasteurella Pestis để tri ân người thầy (sau này người ta mới đổi lại là Yersinia Pestis).

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Thiên tai, nhân họa hay khủng hoảng niềm tin?


Cách đây vài năm, Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất. Một bà chị lấy chồng Nhật post lên Fb rằng.

- Hôm nay đi đổ xăng, sợ khủng hoảng nên đổ đầy bình, định đi siêu thị hốt đồ thì bị chồng Nhật mắng. "Chỉ được đổ nửa bình". Chị hỏi " Tại sao, bình thường em vẫn đổ đầy bình mà ? Nhất là đang khủng hoảng, lỡ mai không còn xăng đổ thì sao ? "

Chồng chị đáp " Vì là khủng hoảng nên mới chỉ được đổ nửa bình. Chừa cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai".

Và không phải mỗi chồng chị, mà người Nhật nào cũng làm y như vậy ? Vì khủng hoảng nên mọi người đều cố gắng không tích trữ để phần lương thực dư cho những nơi đang gặp tai họa. Nhường cho người đang cần.

Và sau đó toàn thế giới nghiêng đầu trước hình ảnh dòng người Nhật xếp rồng rắn nhẫn nại nhường nhịn, che chở, chờ đợi để được cứu hộ.

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Một đời quá dài


Bạn tôi kể, lúc mẹ cô ấy li hôn có nói với cô ấy một câu: ''Một đời quá dài.''
Cô ấy nói: Ba mẹ ly hôn, bởi vì ba gảy tàn thuốc lá vào chậu lan mẹ trồng.

Mẹ tôi là kiểu phụ nữ có xuống lầu đổ rác cũng phải ăn mặc chỉnh tề, lúc tôi 12 tuổi, mẹ và ba ly hôn, cũng bởi vì ba ném tàn thuốc vào chậu lan mẹ trồng, nhiều lần mẹ nói cũng vô ích.

Bạn bè khuyên nhủ, mẹ chỉ nói một câu:'' Anh ấy rất tốt, chỉ là không hợp đi cùng nhau nữa.''
Bà ngoại tức giận mắng mẹ: '' Mày cứ đọc nhiều sách vào rồi vẽ thêm chuyện.''
Trong mắt bà ngoại: con rể anh tuấn cao lớn, có thể kiếm tiền, hiếu thuận lo cho gia đình, ngược lại là con gái bản thân tùy hứng, không chịu nghĩ đến cảm nhận của con cái và cha mẹ.

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

Nhân cách giáo dục nên nhân cách


Một thanh niên nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình tại một đám cưới. Anh ta đến chào người thầy với tất cả sự kính trọng:
-Thầy có nhớ em không ạ?
Thầy giáo nói:
- Thầy không nhớ lắm, hãy nói về em xem nào.
Người học trò nói: Em đã học lớp 3 của thầy hồi đó, em đã ăn cắp chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp. Em chắc là thầy nhớ chuyện đó mà.

Một bạn trong lớp có một chiếc đồng hồ rất đẹp, vì vậy em đã ăn trộm nó. Bạn ấy khóc và méc với thầy có người lấy cắp đồng hồ của bạn. Thầy bảo cả lớp đứng cho thầy soát túi. Em nhận ra rằng hành động của mình trước sau sẽ bị phơi bày ra trước mặt tất cả các bạn. Em sẽ bị gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

Đêm giao thừa tại Nhật Bản



Ngày đầu năm mới, ba mẹ con đến Diver City. 

Tôm Ốc mê mẩn những đồ chơi ghép hình của Nhật Bản, mua cả cho mình, cho bạn và làm quà. 

Tuy tiếc tiền nhưng Ốc tự an ủi là mua được bằng tiền học bổng, không phải là tiền của bố mẹ. 
Tốt thôi, vì làm gì đó mà có lý do hợp lý là ổn rồi!

Đi từ trưa...
Trở về nhà vào nhà lúc gần 12 giờ đêm khi nhiệt độ ngoài trời 2 độ C, tự bật ra một câu mà nhiều khi vẫn muốn nói với chính mình:
- Về nhà của mình vẫn là thích nhất, ấm, nhỉ?
- Humh
- Dù ở đâu, các con hãy nhớ là, có một căn nhà nhỏ, dù chỉ là nhà thuê, để luôn có nơi trở về là đủ.
- Vầng...