Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Làm mẹ của những đứa con trai


       Tôi có ba con trai. Khi các con tôi còn nhỏ, tôi thường được nghe câu hỏi: “Sao, cố thêm cô con gái nữa chứ hả?”, đôi khi câu hỏi vô duyên này khiến tôi phát cáu. Chưa kể, người ta cứ "dìm hàng" ba cậu con trai tôi bằng những câu bâng quơ kiểu “Tam nam bất phú”, “Sau này ế vợ hết thôi con ạ”. Chết thật, thế có nghĩa là việc tôi có ba con trai là tội lỗi, là “phá vỡ trật tự tự nhiên của vũ trụ” hay sao?

1. Khi là mẹ của những cậu con trai, tôi sẽ là tình yêu đầu tiên của chúng. Những cậu con trai luôn quấn quýt mẹ, đó là một điều hết sức tự nhiên, cũng như con gái thường quấn ba vậy. Các nhà tâm lý học cho rằng nguyên nhân của sự việc trên là sự thiên vị giới tính. Em gái tôi (một người mẹ của hai cô con gái) ngạc nhiên vô cùng khi chàng trai nhỏ của tôi đón tôi về nhà bằng những tiếng reo hò, chúng hôn lên má mẹ, vuốt ve mái tóc của tôi và thi thoảng chúng đang chơi đùa với nhau lại chạy về mẹ nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm”. Con trai sẽ được học từ mẹ sự yêu thương, mềm mại và linh hoạt hơn, biết tôn trọng người khác, quan tâm và chia sẻ. Từ mẹ, các chàng trai học cách yêu thương những người phụ nữ, và tìm ra cách để được một nửa thế giới yêu thương mình.

Tôi đã có lúc xao động vì thèm một cô con gái, nhưng chỉ cần nhìn những hình ảnh thế này là tôi không giấu được niềm sung sướng, hãnh diện.

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Đợi


                           Phải vì em sẽ mặc áo mầu hồng
                           Nên xuân mới thẹn thùng đến vậy
                           Anh cứ ngỡ xuân đến lâu rồi đấy
                           Anh chỉ là đến sau.


                           Nhưng xuân chẳng hồng được như áo em đâu
                           Nên chỉ biết gửi nắng bên thềm cửa
                           Rồi như anh, xuân thập thò trước ngõ
                           Đợi chờ em bước ra.

Bạn đặc biệt và là duy nhất!


Giàu hay nghèo, sang hay hèn, nhàu nát hay phẳng phiu thì bạn vẫn luôn 'có giá' với những người thân yêu.
Haley
(Dịch từ Inspirationpeak)

Một diễn giả nổi tiếng bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một tờ 20 đô la trên tay. Trong khán phòng lúc này có hơn 200 người khách, ông giơ tờ tiền lên và hỏi: "Ai muốn có tờ 20 đô la này?". Những cánh tay lần lượt giơ lên. Người diễn giả nói tiếp: "Tôi sẽ đưa tờ tiền này cho một trong số các vị nhưng trước tiên tôi muốn làm một việc".

Ông liền vò nát tờ tiền, rồi lại hỏi: "Ai vẫn muốn nó nào?", vẫn có những cánh tay đồng ý. Ông hỏi tiếp: "Vậy thì, nếu như tôi làm thế này...", diễn giả quăng tờ tiền xuống đất rồi dùng chân mình dẫm và nghiền nó. Sau đó, ông nhặt lên, lúc này tờ tiền đã trở nên nhàu nát và dơ bẩn. Ông lại hỏi: "Bây giờ, ai vẫn muốn nó?", vẫn có những cánh tay giơ lên.


Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Kế hoạch mật ong rừng


        Ba chúng tôi là những đứa trẻ vùng cao rất nhiều năm về trước. Gặp lại nhau giữa trời Đông Hà Nội, kể chuyện nhau nghe về những kỷ niệm ngọt ngào, đặc lịm như mật ong của tuổi thơ yêu dấu, về những cái đắng, chát, chua của cuộc sống như là vị chua chát của những trái sơn tra... 

        Tôi và Hiền là những cô bé sớm rời xa quê nhà, vừa học, vừa lớn, vừa trưởng thành trên mảnh đất thủ đô phồn hoa, nhưng vẫn đó trong tâm hồn một khoảng lớn tuổi thơ ngọt ngào không dễ vỡ. Hương ở lại nhà, gắn kết cuộc sống bên những dấu ấn kỷ niệm mà hơn 20 năm đã qua không hề nguôi nhớ. Có những nụ cười đấy mà cũng có những giọt nước mắt muốn trào ra...


Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Có ba đứa lộn xộn


         Ba đứa, chẳng biết thân nhau từ sự kiện gì, vào thời gian cụ thể nào, chỉ nhớ khi đó hình như là vào năm 1989, lúc ấy: một đứa 14 tuổi là Hiền, đang học lớp 10; một đứa 15 tuổi là Hà, đang học lớp 12; một đứa 16 tuổi là Hương, đang học lớp 11.

Hà - Hiền - Hương

          Trong ba đứa thì Hiền và Hương thân nhau trước từ khi còn bé tẹo vì hai nhà đối diện nhau, suốt ngày chơi với nhau, gọi nhau là Nở và Tẹt, xưng tao với mày. Còn mình tuy không lớn tuổi nhất nhưng lại học lớp lớn nhất nên hai đứa kia đều gọi là chị xưng em, vậy là xưng hô lộn tùng phèo!

         Hà với Hiền học cách nhau hai lớp, cùng là cựu học sinh chuyên văn cấp 2, cùng học lớp chọn khi lên cấp 3, còn Nở thì lại học trường khác nhưng khi gặp nhau là quên mất đang học trường, lớp gì, chỉ thấy như là 3 chị em một nhà.
          

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Tư tưởng lớn là đây!


        Sáng trời rất rét, lại còn mưa nữa. Nằm bẹp ba ngày rồi, người cứ như tàu lá, xương cốt gì mà như các cành cây khô, cứng nhắc. Chẳng muốn nhúc nhích nhưng báo thức 6:30 buộc phải tỉnh làm nghĩa vụ của mình là gọi Tôm Ốc dậy đi học. Do chiều hôm kia, thứ năm, Tôm thi học sinh giỏi Quận Ba Đình, về đến nhà có vẻ thoải mái, mẹ hỏi làm bài tốt không thì chỉ cười cười nói "Cũng tàm tạm!". Như vậy chắc là tốt nên sau đó cũng để cho Tôm thoải mái chơi vì kết thúc một chặng dài ôn luyện mấy tháng liền. Tối qua đạp xe đi học thêm Văn thầy Trung trường chuyên ngoại ngữ đến tận 9:30 mới về, mưa lạnh quắt cả mặt lại nên về đến nhà ăn xong mẹ để cho xem phim đến tận 12 giờ mới thôi. Ngủ muộn nên sáng ra gọi ời ời mới dậy được.

        Bố đi Sapa từ chiều qua nên Ốc vào ngủ cùng mẹ, sợ mẹ ốm đêm cần gì Ốc sẽ dậy. Mọi lần, nếu có 3 mẹ con ở nhà Tôm Ốc cũng đều vào ngủ cùng mẹ thì đêm qua lần đầu tiên Tôm ngủ một mình vì lý do rất hài hước "Con vừa xem xong một bộ phim rất là xúc động, cần một mình để cảm nhận!". Ốc hỏi kiểu vớ vỉn "Phim Hàn Quốc à?!", bị Tôm ngoáy mông quay đi kèm lời đáp trả "Không đời nào!".


Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Chuyến xe buýt hôm nay


      Tối qua tra Google Map xem tuyến xe buýt từ Giảng Võ đến bến nào gần cơ quan mà trên phố Hai Bà Trưng hoặc Lý Thường Kiệt nhưng không có. Chi chít các xe qua các trạm trên phố Giảng Võ mà cứ đến Tôn Đức Thắng là lượn rẽ Hà Đông hoặc qua Nguyễn Thái Học thì lại rẽ Hoàng Diệu đi Long Biên hoặc Lê Duẩn đi Giáp Bát, đến ghét! Xem tuyến Kim Mã thì thấy có xe 34 đi qua Hai Bà Trưng, trạm dừng ngay trước bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, chuyến về cũng xe 34 ngược lại, tiện quá. Thế là hình thành kế hoạch đi xe buýt đến cơ quan vào những ngày cận Tết "nông nhàn" như thế này, sau giờ cao điểm có khi nhanh ngang bằng với đi xe máy.

       Tự thấy rất hợp lý vì nghĩ đến những ngày tháng không cần xe khi sống ở Singapore. Sáng sáng sẽ gọn gàng, khỏe khoắn cuốc bộ chừng 5-7 phút ra bến, 10-15 phút lắc lư trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm, thêm 2-3 phút đi bộ nữa là đến nơi. Chiều về nữa thành gấp đôi sẽ thấy việc đi bộ 20 phút và lắc lư 20 - 30 phút mỗi ngày thay thể dục là tuyệt chiêu!. Thế là sáng nay thực hành buổi đi làm bằng xe buýt đầu tiên. Không ngờ gặp mấy chuyện hoa mắt tí ngất!

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Ngày đầu năm


        Ngày đầu tiên của năm mà bị hắt hơi tằng tằng. Chẳng hiểu hắt hơi kiểu gì mà to hơn mọi khi, vang hơn mọi khi, lại còn đau cả mũi nữa. Cứ  lăn tăn không hiểu có phải một tuần liền bị ho từ tận phế quản ho ra mà không ốm, giờ vi-rút đón năm mới lộn ngược lên khu trung ương đầu não gây hắt hơi vậy không? Mấy lần kêu thành tiếng "thế này thì chết mất thôi, đau mũi quá!" mà vẫn chưa thấy được yên, điên quá! 

Happy New Year


Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Sắp hết một năm


           Những ngày cuối năm, chẳng thấy cảm giác của nhanh hay chậm nữa. Mọi việc ngổn ngang cả ngoài lẫn trong tâm trí. Chẳng biết sắp xếp việc gì trước, việc gì sau, việc gì để dành đấy, hay việc gì vứt bỏ lại đằng sau?

          Tối qua, nhận được công văn của Viện kiểm sát tối cao về vụ án Vườn Mít, đoán trước là thể nào cũng trả lời thế rồi nên cũng chẳng thấy bận tâm. Có bận tâm chăng chỉ là họ biến mình từ bà thành ông, không thèm giải thích! Thêm nữa, lại còn trả lời ngắn gọn chứ không vừa dài vừa sai như trả lời các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua!  

          Nghĩ về một năm, có 5 điều mình đã liệt kê ra giấy:
                      1. Những người mình biết ơn
                      2. Những việc đã làm được
                      3. Những lỗi đã mắc phải
                      4. Những đóng góp đã làm
                      5. Những điều khiến mình vui
           Dù có thể hiện hay không thì mình cũng luôn nhớ, luôn gìn giữ trong tim những gì trong một năm đã đến, bởi đó là những điều đã thuộc về cuộc sống của chính mình, không bao giờ thay đổi được. 

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Chúc mừng ngày 22 - 12


        Hình ảnh đẹp nhất luôn thuộc về những người lính, đặc biệt là những người lính đã từng cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho giai đoạn cả đất nước còn gồng mình trong chiến tranh để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Xin chúc cho tất cả những người lính tôi biết, tôi yêu, tôi quý một ngày truyền thống thật ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam hào hùng. Chúc cho các cô, chú, anh, chị Trỗi của tôi sẽ mãi là những bộ đội Cụ Hồ đầy khí phách, đẹp mãi như những bản hùng ca!




Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Dễ gì mà lấy được chồng quê


        Nàng là con gái Hà Nội, sống trong nhung lụa, an nhàn từ bé, còn hắn chỉ là một thằng trai nghèo, nhà quê, tỉnh lẻ, lên Hà Nội học đại học rồi ra trường ở lại đó làm thuê lập nghiệp. Ấy vậy mà nàng vẫn yêu hắn, và muốn lấy hắn làm chồng. Có lần hắn hỏi nàng:
      - Anh không mua được nhà ở Hà Nội thì sẽ phải về quê sống đấy! Em vẫn muốn làm vợ anh sao?
      - Quê có nét đẹp riêng của quê chứ. Hồi phổ thông, em đã mê mẩn bởi vẻ đẹp thanh bình của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ khi được học chùm thơ thu của cụ Nguyễn Khuyến đấy!



        Thấy nàng yêu phong cảnh nông thôn quá nên hắn quyết định mời nàng về quê hắn chơi, cũng coi như là giới thiệu nàng với gia đình hắn luôn. Nhà hắn khá đông người. Bố mẹ và các anh chị hắn thì hắn không ngại, vì họ rất thoải mái, dễ tính, nhưng hắn lo nhất là ông nội, bởi ông già rồi, cổ hủ, hay để ý, và khó tính, còn nàng thì lại tiểu thư, vô tư, quen được nuông chiều. Thế nên lúc tối, khi chỉ có hắn và nàng lúi húi dưới bếp dọn cơm, thấy nàng định đổ đi đĩa thịt thiu, hắn đã phải lập tức ngăn lại:
      - Đừng em, không được đổ.
      - Nhưng thịt này chắc cũng phải để mấy ngày rồi, sắp hỏng rồi! Không đổ đi
 thì còn ai ăn được nữa?
      - Ông nội ăn! Thịt để cả tuần ông vẫn ăn được, ông mà biết em đổ đi thì ông sẽ chửi cho!

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Chuyện lâu rồi mới kể


        Sáng nay đọc "thời sự" của chú Kiến Quốc trên facebook chợt nhớ đến "người nổi tiếng"  mình có lần định kể rồi quên. Lướt qua lúc nữa thì chẳng hiểu sao "người nổi tiếng" ấy hôm nay lại tự sướng post cái mặt "phúc hậu" đang cafe cà pháo mà mình bỗng bật cười, nên kể:

        Hôm ấy, theo lời mời giao lưu tại một quán cafe trên phố Văn Cao, mình theo sau một anh bạn luật sư cùng khóa. Vừa bước vào khuôn viên bên trong, anh bạn đã tìm thấy ngay một người đàn ông trông khá phong độ ở độ tuổi tiền bối và đon đả "chào thầy!". Mình cũng "chào thầy ạ!".
        Nụ cười nhẹ nhàng và phong thái lịch thiệp của thầy làm mình không hề lăn tăn gì về việc thầy có phải là thầy mình hay không mà bạn học của mình lại chào thầy nhiệt huyết thế. Khi mọi người đã đến kha khá, toàn luật sư và có đến hơn nửa số người có mặt chào thầy. Mình tự nhiên hỏi ngu cực:
      - Ơ. Thế thầy...

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Nhớ trường, nhớ bạn


Nhớ ngày mới ra trường, đạp xe chở Bích Thuận đi phỏng vấn làm PG cho hãng thuốc lá Fine của Pháp. Mình ngồi ngoài hành lang chờ, anh chàng phỏng vấn người Pháp đi qua nhìn thấy mình hỏi bằng tiếng Pháp, cô phiên dịch đi bên cạnh dịch lại cho mình nghe:
- Bạn có dự tuyển không?
Mình trả lời:
- Không, tôi đưa bạn đến.
Anh chàng tiếp:
- Tại sao bạn không dự tuyển nhỉ?
Mình chưa từng nghĩ sẽ đi làm tiếp thị, nhưng cũng chẳng hiểu sao cuối cùng thì mình cũng ngồi vào bàn phỏng vấn. Câu cuối cùng của anh chàng Pháp là:
- Bạn có nghĩ là bạn đẹp không?

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Về hội trường


       Thầy hiệu trưởng có lời phát biểu hơi bị dài dòng! Báo cáo với các cựu sinh viên khóa 15 về tình hình loằng toằng ngoằng mà hết những 45 phút mới đi vào hồi kết thúc. Giá mà thầy ngắn gọn rồi hát một bài chúc mừng ngày hội trường có lẽ vui hơn! 
       Thầy Thìn - "cảnh sát" chuyên "săn bắt lỗi" - ám ảnh tất cả sinh viên ngoại lẫn nội trú đứng lên chào sau lời giới thiệu làm mấy đứa ngồi cạnh nhau nhắc kỷ niệm về thầy mà cười chảy cả nước mắt. Đại diện lớp Luật kinh tế trên bục sân khấu nhắc về kỷ niệm thầy soát vé học sinh ngoại trú mỗi lần lên xe buýt từ trường ở Quán Gánh về Hà Nội các buổi chiều nhưng đứa nào lên trước lại tuồn vé xuống cho đứa lên sau, thầy chỉ có thắng trên thế thua! Ở dưới thì nhắc kỷ niệm thầy đi "lùa" học sinh trốn học ở lại ký túc xá, chỉ mặt đọc tên chẳng chệch đứa nào! 

Lớp Luật Tư pháp 15A