Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Chuyện cũ "ấm ức vì tức"...


          Nhân vừa sửa xong laptop bị lằng nhằng, kiểm tra lại vẫn thấy còn lưu trên desktop bài viết về phạt xe chính chủ của mình để xả xì-trét. Tới nay đoán chắc sắp xong cái vụ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/CP rồi. Lòng dân đang lâng lâng vì nghĩ “làn sóng phản đối xanh” của mình đã thấu đến cả trời cao! và chắc đang nghĩ tạm dừng là không phạt nữa! Post bài” ấm ức vì tức” này (viết từ lâu rồi), chỉ để cho vui và cho bớt những thứ cứ bị bắn phi tiêu vào đầu lúc ấy, xin đừng ai bình luận ! 
          Ngày hôm ấy chừng cuối tháng 11/2012, tôi cũng không nhớ.

          "Gửi cho anh chồng bài viết trong đó nêu rõ phát biểu của Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông rằng "Nếu không sang tên xe chỉ có đắp chiếu" kèm theo lời nhắn : Đừng có cãi đài nữa nhé !. Tôi như trút được bao ấm ức trong lòng. Mặc dù bài đã lên trang từ ngày 11/11/2012, có nghĩa là đã hơn 2 tuần, thời điểm mà tôi và anh chồng đã "hùng hổ" tặng nhau bao câu tranh luận quanh cái Nghị định của Chính phủ quy định về phạt nặng xe không chính chủ. 

            Tôi viết ra thế này, không cẩn thận tôi lại ăn vài viên đá không biết chừng. Nhưng tôi ấm ức lắm. Tôi biết, vấn đề của Nghị định 71 lần này đang nóng hôi hổi, người dân đang bức xúc, kêu la ầm ầm lên. Ôi la, bao nhiêu là tình huống, thắc mắc được người dân thông qua đại diện là các nhà báo "ét" lên trang nhất hàng ngày, chao ôi mới nghe sao mà rối rắm quá thế ! Nó làm chao đảo bao nhiêu là người đang ngồi trên yên xe máy và làm cho hình ảnh anh CSGT mới khiếp đảm làm sao ? Và nữa, anh Đinh La Bay cũng tự nhiên ầm ầm xuất hiện, hứng chịu sự giận giữ của những người dân hiền lành, chân chất qua mấy chục nghìn cái vả bằng tay thông qua "1 like = 1 tát" trên facebook mà tôi tình cờ trông thấy ! (Đúng là gì thì gì, chưa biết rồi sẽ ra sao, tác động đến thế nào, cứ động chạm đến phạt nặng mà đối tượng là dân thì hãy biết tay dân nhé !)

         Ảnh hưởng của Nghị định 71 này nhà tôi cũng đâu tránh khỏi. Nghĩ đến phải mất tiền cho CSGT ai chẳng điên. Tuy nhiên, “nếu không vi phạm thì CSGT lấy gì mà phạt, việc gì phải sợ ?”. Tôi đã phản pháo lại anh chồng của tôi như thế đấy ! Vấn đề ở chỗ, ngay sáng đẹp trời hôm Nghị định được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông, anh chồng nói với tôi "có khi phải tìm cái đăng ký kết hôn giúp anh nhỉ ?". Lúc đó tôi còn chưa biết tí ti gì về tin sẽ phạt nặng xe không chính chủ, tôi hỏi "để làm gì thế ?" và được giải thích loằng toằng ngoằng y như bất kỳ ai cũng đã đọc được trên internet ấy, rằng phải đi xe chính chủ, rằng xe anh chồng tôi đang lái tên chính chủ lại là tôi. Tôi cự nự rằng sao phải thế, ngay lập tức nhận được từ chồng tôi mấy câu tấm tức dành cho cái quy định vớ vỉn vừa ra đời kia. Tôi thấy cu cú, đúng là... chẳng biết tức quy định xử phạt hay tức chồng đây ! Tôi nói  "đăng ký kết hôn chẳng biết đâu mất rồi !". 

          Nhà tôi 4 người, có 2 cái xe, 1 ô tô và 1 xe máy. Khổ nỗi cả hai xe đều tên chính chủ là tôi. Mọi khi ngồi trên xe máy, hay tự lái ô tô đi đâu một mình, tôi chẳng thấy đáng bao nhiêu cái giá trị của đăng ký xe tên mình, giờ oai ghê ! Chữ tôi vốn cũng khá đẹp, biện pháp an toàn cho sáng đầu tiên ra đường sau khi Nghị định có hiệu lực, tôi phóng tay viết lên trang giấy có tên tôi trong tờ Hộ khẩu đã công chứng dòng chữ “Tôi là… chủ xe ô tô biển số… Vì vậy, đương nhiên chồng tôi được quyền sử dụng chiếc xe này”. Hehehe, chủ quyền Trung Quốc trên đảo Hoàng Sa nhé ! Chồng tôi cũng dè chừng cái Nghị định bằng cách cẩn thận như thế đấy. Nếu là tôi, tôi sẽ làm gì khác hơn nhể !?

          Từ đó, mỗi hôm trở về nhà, anh chồng tôi lại mang theo một xiên cảm xúc, lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì bực bội mỗi khi nhắc đến cái nghị định 71 này, mặc dù sau khi có Nghị định đã bị CSGT phạt lần nào đâu. Đôi lúc, xem ti vi, chương trình thời sự lại thông tin nóng hổi nỗi bức xúc của người dân xoay quanh việc : tôi đang vi phạm đây! tôi đang đi xe không chính chủ đây! tôi không thể tìm được người bán để làm thủ tục sang tên đây! thuế trước bạ sang tên nộp cho nhà nước sao mà cao quá đây! tôi là sinh viên, tôi mới đi làm nên chưa có tiền còn phải đi xe mượn, không thể chính chủ được đây!... rồi cả nhà báo (cũng là dân) nào đó cất cao tiếng nói Nghị định không hợp lòng dân, phải xin ý kiến dân nữa chứ… Hứ hứ hứ… nhất quyết không thấy có ý kiến nào nêu ra rằng : thế này tôi sẽ bán xe máy mua xe đạp điện thôi, tôi sẽ đi xe bus thôi, tôi sẽ về quê lấy xe chính chủ mang ra thành phố đi thôi, tôi sẽ đi làm sang tên ngay thôi!… tuyệt nhiên không có ! 

           Tôi thì nghĩ khác. Tôi chẳng chê bai bức bối gì với mấy cái khoản phạt cao ngất ngưởng kia, tôi còn thấy hay nữa ấy, kể cả cứ cho rằng không hợp lòng dân đi. Anh chồng tôi thì bức xúc lắm, thấy vợ nhất nhất bảo vệ quan điểm vi phạm thì phải phạt, còn chính chủ hay không thì phải hiểu đúng cách. Có ai cấm đi mượn, đi thuê bao giờ đâu, có CSGT nào dám chặn xe mà người lái xe trên đường không mắc lỗi ? Tôi không thích những người không biết đến cái quyền tối thiểu của chính mình là gì theo quy định của Pháp Luật để mà “cùn” cãi lại CSGT khi lái cái xe không chính chủ của mình ! Còn “hạt sạn” ư ? Nghề nào chẳng có. Đến như cái vụ Quốc hội họp thảo luận, hỏi TT có từ chức không khi tập thể lãnh đạo CP yếu kém kia kìa. Thủ tướng trả lời là Đảng giao nhiệm vụ, Đảng lãnh đạo chứ TT có xin đâu. Mà đảng viên thì phải chấp hành và thực thi nhiệm vụ chứ, ai dám từ chối trách nhiệm nào!. Nhìn rộng ra, hỏi thử mấy anh lèng tèng chức vụ như ở cơ quan tôi, ngồi mốc meo lên chẳng làm được cái gì còn cứ ngồi năm này qua năm khác, chẳng nhiệm kỳ nhiệm kèo gì, cứ trơ trơ ra dù biết mình chẳng xứng đáng, nói gì cấp cao hơn, vậy mà các anh ấy cũng đang ngồi "tấm tức không từ chức" các “anh” ở trên cao chót vót đấy ! Các anh cũng nói, Nghị định chỉ khổ dân, các bác sinh ra cái Nghị định này toàn đi ô tô, xe biển xanh lấy gì mà phạt. Hợ hợ, vậy họ hàng thân thích nhà các bác ấy không có ai à, tính cả người thân có khi phải bằng dân số cả tỉnh ấy chứ ! sao lại nói thế nhỉ ? 

         Tôi là dân nên hay để ý dân ! Theo tôi người dân trước hết sống phải biết tuân thủ pháp luật. Ở đây, tôi thấy điển hình những lý do dẫn đến việc bị phạt xe không sang tên nào là xe mua lại qua tay mấy chủ rồi, nào là đến thành phố làm việc mua xe không đăng ký được, về quê đăng ký thì…, nào là từ Bắc vào Nam công tác, nơi ở xa nơi làm việc, không muốn đi xe buýt vì đông, mang xe vào thì chi phí lớn… Tôi thấy thật chán. Hình như, người ta luôn có lý do để bào chữa cho việc vi phạm pháp luật và bắt những người ban hành pháp luật phải hiểu, phải sửa đổi để cho phù hợp với từng người dân chứ không phải là mọi người dân sống và làm việc theo Hiến Pháp và PL ? 

          Có phải ai cũng kêu ra đường lắm xe, tắc đường, bụi bặm, ô nhiễm ? Vậy có ai muốn gia đình mình sẽ bớt đi 1 chiếc xe máy trên tổng số 3,4 chiếc không ? Hay nhất định phải xe máy thay vì xe đạp, xe bus, đi bộ nếu từ nhà tới nơi làm việc, nơi học 1-2km ? Có ai đi ra đường sớm hơn 30 phút để tránh giờ cao điểm khi sử dụng phương tiện giao thông là xe bus, hay lại cho rằng tôi còn phải ngủ để có sức làm việc ? tôi phải việc nọ, việc kia… Có ai cho rằng thủ tục rườm rà, mất thời gian cho việc sang tên, đổi chủ, nhưng sau đó họ không còn bị lo lắng khi phải đối phó với những gì sẽ xảy ra như : CSGT, trộm cắp, tai nạn, bảo hiểm… Hay nói tôi không cần ? 

          Anh chồng tôi nói, phải có lộ trình… tôi nói chẳng cần! bởi giờ đây quy định xử phạt này chỉ là xử phạt, còn các quy định khác liên quan đến việc bắt buộc thực hiện hay hướng dẫn đều đã đầy đủ rồi…, ai không làm theo giờ chịu phạt, có gì sai ? Còn lý do tôi nghèo tôi phải mua xe cũ không sang tên được ư ? tôi không thể mang theo xe đến nơi mới ư ?... Nhà nước chịu ! đấy là việc của mỗi cá nhân. Anh chồng hỏi tôi, thế xe không thể tìm thấy chủ thì sao ? Tôi cho rằng, không chứng minh được việc xe đó là tài sản hợp pháp của mình thì tịch thu, cho tiêu hủy, đỡ tắc đường, đi xe đạp không chết ai ! Bởi, nếu một thằng ăn trộm, ăn cắp mà giải thích như anh ấy và được hợp thức hóa tài sản cho nó thì có mà loạn à ? Dân khi đó còn khổ hơn. Dân có quyền thì dân cũng phải có nghĩa vụ. Không có một Luật nào hợp lòng toàn dân cả. Anh chồng tôi bực lắm. 

         Tóm lại, tôi cũng tức anh ách cái Nghị định này, vì tự nhiên tôi và chồng tôi mâu thuẫn, trong khi tôi chẳng phải là Thủ tướng hay Bộ trưởng nào ! Tôi đang có ý định sẽ xin phép chồng bán xe máy, mua xe đạp và dùng tiền thừa đi du lịch… Tôi tính như thế, vì tôi vừa bảo vệ được quan điểm, vừa thỉnh thoảng được đi ké ô tô của chồng lại đỡ phải tốn tiền xăng xe nữa chứ !".

         Dư luận chìm rồi. Tôi hy vọng quan điểm của tôi sai 50% !

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Chú đã comment trong bài Lá thư gửi cô giáo.

Viên Thạch nói...

Cảm ơn chú KQ. Cháu 2 lần bị "chết hụt" kiểu ấy rồi. Sợ muốn vỡ tim chú ạ.