Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

Hết tết rồi. Con lại phải đi thôi!


Một năm mới đã bắt đầu với đầy lo toan bận rộn. Một năm mới bắt đầu bằng cách khép lại những ngày vui vẻ đoàn viên. Chỉ bất chợt một khoảnh khắc nào đó như khoảnh khắc này, khi ngắm bức hình bịn rịn cảnh chia tay mới lặng lòng dâng niềm nhớ.

Chợt nhớ mình mới là đứa trẻ ngày nào, lon ton theo mẹ đi chợ tết, ngồi sau xe đạp theo cha đi mua Đào, nay tóc đã thoáng vài sợi bạc. Thời gian kì diệu giúp xoa dần những nỗi đau, nhưng cũng tàn nhẫn làm phai dần đi những kỉ niệm, những niềm hạnh phúc.

Mẹ luôn hỏi tôi, nơi đất khách quê người cuộc sống có vất vả lắm không? Thật ra thì nỗi bon chen không đáng sợ bằng nỗi cô đơn, buồn tủi. Là cảm giác nơi mình ở không là quê hương, chỉ là khách trọ. Nơi mà mỗi con đường, mỗi góc phố không thể tìm nổi một dáng hình quen thuộc, yêu thương. Nơi mà đôi khi giữa ồn ào vẫn thấy mình bơ vơ lạc lõng.

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Tạm biệt năm Covid 2020


Chiều qua, chiều cuối năm, chẳng hiểu sao lại ngã.
Giữ nguyên tư thế chân phải thẳng về phía trước, chân trái hình chữ Z phía sau, bàn tay trái rụng rời sau một phản ứng vô điều kiện là bụp mạnh vào cánh cửa toilet...
- Đừng động vào em!
(Dù đó là lời nói ngược 😛)
Khi có người nhìn thấy, định nâng dậy.
Có lẽ do phản xạ, sợ chấn thương sọ gối, vì đột ngột và đau quá!

Tự dưng lại nhớ cảnh người phụ nữ bị va ngã xoài vì một anh chạy vội lên tàu điện ngầm ở Singapore. Anh ấy xấu hổ, vội vã xin lỗi và định nâng chị đứng dậy, thì chị ấy đã khó chịu mà nói rằng:
- Don't touch me!
(Đừng chạm vào tôi)
Và không có ai động vào chị ấy. Anh vội vã thì vội bước lên tàu, vẻ đầy ngại ngần.

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Di sản của một người


Tôi luôn phải chịu áp lực là con của một nhà lãnh đạo.

Phải nhiều năm sau thời niên thiếu, tôi mới ý thức được rằng ba mình khác những người khác.

Từ khi đi học vỡ lòng, tôi không ý thức được chuyện ba tôi làm việc gì quan trọng hay nhà tôi khác các bạn. Hồi đó, đi ra cổng nhà, thấy có bốt gác, tôi cứ nghĩ rằng nhà ai cũng như thế chứ không hề nghĩ ba mình mới được thế. Rồi đến khi học lớp hai, tôi‬ mới lờ mờ hiểu rằng ba mình đang giữ trọng trách nào đó.‬

Cũng từ khi bắt đầu hiểu được ba tôi có trọng trách lớn hơn người khác, tôi co mình lại một chút. Nhiều khi chơi với bạn bè, phải nhường nhịn bạn một tí. Rồi đi học, phải cố lên một tý vì sợ người ta sẽ nghĩ ngược lại.

Nói thật, rất ít khi đến lớp mà tôi không thuộc bài. Đi lao động cùng lớp, tôi luôn chọn việc gì đó nặng hơn. Tôi sợ bạn bè bảo mình thế nọ, thế kia. Sau này đi sơ tán, nhiều khi bọn tôi rời khỏi trường người ta mới biết tôi là con ai. Khi biết mình là con "ông Ba", họ mới hỏi, "ô tại sao tao thấy mày gánh giỏi thế?", "ô tại sao mày đào đất giỏi thế?".

Tuổi thơ tôi là thế. Tại sao mình cảm thấy như vậy? Bởi vì, đi sơ tán mới thấy, mình được ăn no hơn các bạn, không phải chịu rét như các bạn. Nếu mình học kém không bằng các bạn, điều đó là không nên, là đáng xấu hổ.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Tự cảm nhất thời!


Một đứa tự thấy là hiền nhưng ít người cho là như vậy, đặc biệt là giới nữ! 😎

Ảnh, phản ánh khá chính xác "con người" của ai đó, ở mọi hoàn cảnh, trong mọi trạng thái, khó mà nói khác đi được. Cái tĩnh của ảnh, phơi bày cái động của cảnh và người, ở đó người ta thấy được cả một không gian. thời gian rộng dài...
Mình không thích chụp ảnh, nhưng cứ có ảnh là lưu giữ, mà vẫn là lưu giữ ảnh giấy, những chiếc ảnh có thể cầm, nắm được.

Đây là những chiếc ảnh phần nhiều có được bằng selfie (tự sướng), do không biết "diễn" sao cho đẹp. Ở trong đó, là 5 năm đã qua, 5 năm của những tháng ngày nhiều biến động...

Nhìn kỹ, hay nhìn lướt, vẫn thấy nhiều nữ tính, kệ người khác không nhìn thấy 😜, thấy đôi tay biết làm nhiều việc, gương mặt, ánh mắt vẫn biết nhớ, biết thầm............. (Mơ!) 

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Ước mơ mãi chưa thôi


Kiếm tiền là việc của cả đời, mà con người thường nghĩ tới nhiều nhất thay cho nghĩ sống phải thế nào để hạnh phúc.

Mỗi năm, giành 1 tháng đi đâu đó, 10 năm giành 1 năm để sống ở một đất nước nào đó để cảm nhận cuộc sống, là một việc đã từng ấp ủ. Nhưng, không làm những điều đã muốn mà làm những điều người khác bao gồm cả Đảng và Chính Phủ muốn là một việc ý nghĩa, nó mang lại giá trị nhưng ít niềm vui và nhiều tiếc nuối!

Mùa covid, vắng vẻ, ít người, thực sự muốn một lần chạy dọc dài đất nước, cách ly trong xe, 1 tháng thôi.
Xăng đang rẻ! 😛

(Ước mơ từ tháng 3 năm Covid 2020)

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Lời khen của cán bộ Đoàn


Ngồi bus về nhà, muốn viết gì đó.
chợt muốn nhớ đến một tấm hình, một câu khen:
- Hà là một người con gái để lại trong anh hình ảnh rất là đẹp. Em không chỉ có hình thức mà em còn có cả tri thức nữa. Rất đẹp. Anh rất thích đấy!
Thích ở đây là thích, chứ không phải yêu nhé. Câu nói sau mười mấy năm (có đôi lần) gặp lại, từ hồi có chung cùng với anh ấy những năm tháng hoạt động Đoàn thanh niên tại Bộ Thương mại.
Hồi ấy anh chưa vợ, mình thì bầu đoàn phu tử 2 con rồi! 

Lúc này, mình đang đói, đang nghĩ đến món gà tần ngải cứu.
Mình thường hay nhớ, bám, víu vào những lời khen mà giúp mình thấy từng không hề biết là như vậy, nó làm cho những kỷ niệm trong ký ức đã đẹp lại còn đẹp hơn.
Và nữa, lưu giữ được những tình cảm, những hình ảnh đẹp lâu dài trong cuộc đời, thì... Lâu ơi là lâu, có tìm gặp lại, mãi là như thế.
Câu nói nhỏ:
- Em đẹp lắm!
Dù không đẹp, cũng thích phải không nhỉ? 

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Hà Nội nắng!

Sáng nay lao lên bus, thấy ngay anh Sếp cũ đẹp zai đang đứng trước mặt, chán! 😄
Nghĩ đến 22 năm trước, anh ấy thư sinh, trắng tinh với cặp kính đầy tri thức...
Mình hay thắc mắc là:
- Sao càng già thì mặt ngày càng đần?
Hình như, nỗi lo lắng nhiều hơn làm con người ta như vậy?
Tự lý giải:
Thanh niên vô sản, cộng với một mớ kiến thức nhận được từ trường lớp giúp tuổi trẻ ta dường như thấy mình là số 1 😝
Do vậy, mặt cực kỳ tự tin và trong sáng!
Trung niên tư sản, có một số vật chất cộng với mớ kiến thức "tổng hợp quý hiếm" không thể tách rời, cùng với một thân thể đang "dần chín", sự "ngọt ngào" thể hiện trên từng nếp nhăn, tóc đã điểm nhiều sợi bạc, ..., tạo ra nét khác biệt thời trẻ, mà theo cách nói sang chảnh thời nay gọi là "thần thái"! 😎
Giữ gìn nét thanh xuân (nét vô sản) bằng cách nào đây? Bằng cách chúc mừng thời trung niên có vật chất và mất trong sáng ư?! 😛

Sáng nay, 
Hà Nội lạnh nhưng nắng, không khí trong lành. 
Ôm latop ra cafe góc quen, xem lại mấy cái ảnh cách nhau chừng 20-25 năm. Vẫn đẹp thật, nhưng càng ngày thấy càng... đần thối! 😅


Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Nhớ con

Chiều qua đi làm về muộn, lên bus chỉ có 2 cô học sinh áo trắng ngồi cách xa nhau, thêm mình là 3. Chọn chỗ ngồi ngay trước cô bé quàng khăn đỏ, phụ xe xác nhận vé xong thì quay sang cô bé nói:

- Sao cháu không xuống xe, mua vé rồi mới đi tiếp, đi nhờ 1-2 bến được chứ đi nhiều bến thì không được.
Cô bé lí nhí nghe không rõ.
- Bến tới cháu xuống đấy nhé.
Mình cũng chẳng kịp nghĩ gì, cậu soát vé đứng ngay cạnh, nên tiện nói luôn:
- Để chị mua vé cho bạn ấy.
Và 7.000 đồng đổi lấy một tấm vé cho cô bé học trò.
Lên trạm bus trước Ngân hàng Nhà nước, về đến trạm trước Bộ Y tế - Giảng võ mình xuống. Cô bé vẫn còn đi tiếp, và ngước mắt lên nói lời cảm ơn thay lời chào.
Trước khi xuống xe, nhìn lại bờ vai áo trắng và tấm khăn quàng đỏ dưới mái tóc được tết cao gọn gàng, thấy nhớ con. Nhớ mỗi lần con ra khỏi nhà nhắc con cầm theo 10 nghìn, chẳng phải để đi xe bus mà để có cảm giác... an tâm.

Chiều tối 6.10.2020


(Câu chuyện cũ hôm nay ghi lại ở đây)

Nói với con hôm nay

(Mẹ lưu lại những tâm sự này ở đây, 
vì mẹ luôn nghĩ các con là một phần quan trọng của thế hệ trẻ, mà mẹ và xã hội luôn hy vọng)

Tôm à,

Vậy là một năm mới, một thập kỷ mới đã bắt đầu. Mẹ mong con thật nhiều sức khoẻ và nhiều động lực, ước mơ để có những tháng năm trước mắt vui vẻ, bản lĩnh và vững vàng.

Nhìn lại mười năm đã qua, mẹ thực sự rất tự hào vì con, một cậu học trò đặc biệt, cá tính cũng khác biệt, mỗi năm một vững bước hơn, tự tin hơn, đầy năng lượng cho tới khi con trở thành sinh viên và rời xa gia đình. Mười năm đó, mẹ luôn bên con bằng tất cả mọi năng lượng mẹ có được, để làm hành lang trên con đường con tiến về phía trước. Đến khi con thực sự trưởng thành rồi, mẹ mới thấy thời gian trôi nhanh quá, 10 năm, 20 năm... và giờ đây bắt đầu một chặng 10 năm nữa. Mẹ tưởng tượng đến năm 2030 có lẽ con khác bây giờ lắm, mẹ thì chắc cũng già hơn, tóc bạc hết rồi!

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Trở lại góc đời riêng


Viết, có thời điểm đã như là một nhu cầu thiết yếu, vậy mà có những khoảng thời gian cũng hững hờ. Hôm nay, mở lại những trang viết cũ, thấy lại mình của thời gian đã qua, sao nhiều năng lượng?

Cafe một mình nơi góc phố quen, nói chuyện với chị phục vụ người gốc Hà Nội, về món bánh mì pate trứng ốp tại sao không có trong thực đơn trưa thay vì chỉ bún với phở, mà thấy chủ quán giàu có vẫn thuộc về đẳng cấp "nhà quê" bởi trong mắt chị anh ta và nhân viên của quán "rặt" là người Thanh Hóa.

Thế là lại biết về nguồn cơn người sở hữu được căn nhà góc phố đẹp như mơ giữa thủ đô Hà Nội này bắt nguồn từ dân chơi cờ bạc.

Tự mình hỏi mình,  thuộc về đâu khi về quê người ta gọi mình là người thành phố bởi đã "mất mặt" mấy chục năm rồi, chẳng cống hiến, chẳng ngợi ca và chẳng làm gì ngoài một hình ảnh ngày càng già hơn khi trở về và ra đi hào hứng mang theo bao sản vật "tinh túy" của người nhà quê quý tặng cho một người thành phố! 

Chợt thấy, mình như chẳng thuộc về nơi nào, trừ thuộc về một chàng trai Hà Nội... người đã chọn mình để đồng hành suốt những năm tháng đã qua, từ khi còn trẻ, từ khi mình mới rời xa quê...

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Ba mươi năm đã qua


Có những mối tình, mấy mươi năm vẫn mong ngày gặp mặt.
Đó là mối tình thầy trò, đó là tình thân với cô bạn chung bàn, với cậu bạn đẹp zai học chung từ lớp một...
Tỷ thứ để nhớ, để thấy nhau mãi là bạn, trong một biển người...
Tấm ảnh quý trong những ngày "lúc nào cũng vội" ☘️


Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

Ngày khai trường năm nay


Dư âm ngày khai trường năm nay là...
... bốn mươi năm trước, học lớp 1, vẫn nhớ những thứ được viện trợ của Liên-Xô lên ngôi trường của mình đang học. Nhớ những chiếc áo, tấm chăn, đồ chơi trẻ nhỏ...

Bốn mươi năm rồi, đất nước khác xưa rồi mà ngày hôm nay, những bản xa nơi biên giới Việt - Lào của chúng ta vẫn rất cần viện trợ, người dân trên bản vẫn chưa có điện, vẫn còn nhiều gia đình thiếu gạo, trẻ em thiếu giầy dép, áo quần...

Na Tông - Điện Biên, một xã vùng cao biên giới Việt Lào
Trở về, vẫn nặng lòng nơi ấy, vẫn mong một ngày còn làm được thêm cho nơi này...



Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

Nhớ ngôi nhà xưa

Bây giờ là tháng Năm, mùa mận chín, mới nhớ ra là ngày còn bé, có đủ thứ ăn mà giờ đây thành đặc sản. Nó tạo ra "khí chất" khi lớn là không thèm phải được ăn ngon hơn nữa!

Mình lớn lên hồn nhiên, nhưng chắc mẹ hài lòng có một đứa con gái như mình, đứa con gái đanh đá so với đám trẻ trâu trong xóm nhưng chăm học, chăm làm, và biết thương người như mẹ. Mẹ vất vả, nỗi vất vả của một cô giáo dạy học thời bao cấp, rời trường lớp là trở về với vườn rau, gà, lợn, như thể cuộc sống vốn là như vậy, không toan tính mà đầy dự cảm, logic, để đảm bảo ăn ngon mặc ấm cho ba đứa con.



Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Nhất định phải đọc!

Bài viết của giảng viên Điều dưỡng người Việt tại Đức!

Chào mọi người, lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này, nước Đức nói riêng và cả thế giới đang gồng mình chiến đấu với căn bệnh Covid-19

Trong lúc mình và đồng nghiệp,- những nhân viên y tế KHÔNG được nghỉ làm lúc này ,các bạn những người may mắn được nghỉ làm hay được work from home, mình khuyên là KHÔNG đi ra đường lúc này. Ai ở đâu thì ở yên lúc này, cũng đừng có ý định về VN, những người già 80-90 tuổi họ còn phải chiến đấu tại sao các bạn còn TRẺ mà đã lo chạy trốn. 

Hãy mua đủ đồ ăn và đóng cửa ở nhà nằm xem film hay nghe nhạc thay vì lên máy bay về nước vô tình bị nhiễm chéo và lây chéo cho ng khác nữa.

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Tìm em ở Mường Hum


Anh về Mường Hum tìm gặp lại em
Người ta bảo em đã lấy chồng chuyển đi nơi khác
Con suối nhỏ duyềnh lên khẽ hát
Hoa xoan rụng trắng đôi bờ


Những ngôi nhà dựng lên trên nền đất xưa
Chẳng còn nhận ra nơi phố cũ
Chân lạc bước giữa dòng người về chợ
Giật mình lắng nghe...tưởng tiếng em cười


Bát rượu năm nao sóng sánh mắt người
Kịp nắm tay em nhưng chưa kịp nói
Anh lên đường hành quân rất vội
Chiếc khăn em trao cùng anh vượt núi băng đèo.

Vẫn còn đây chênh vênh nhịp cầu treo
Xưa em vẫn gọi đùa: Bờ thương, bờ nhớ
Sao để anh chông chênh ở giữa
Nhận về mình cả bờ nắng, bờ mưa.

Đã xa rồi con đường đất ngày xưa
Giờ xe nối xe chờ vượt dốc
Đường nối liền rồi - em thì xa lắc
Bao giờ....em trở lại Mường Hum?


(Sưu tầm)