Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Đôi điều của chú Kỳ Minh

             
         Ai cũng có quê hương. Quê hương là nơi chôn rau, cắt rốn của ông bà hay cha mẹ họ. Quê hương là nơi họ tộc, tổ tiên họ đã từng sống. Thường quê hương là làng quê yên bình với lũy tre xanh và những cách đồng thẳng cánh có bay. Đó là suy nghĩ của tôi, một người “già” gần 70 tuổi và của một vài người bạn cùng trang lứa. Còn thế hệ trẻ, tầm từ 30 tuổi trở xuống thường họ ít nhớ đến quê hương, nếu gia đình nào giáo dục truyền thống tốt lắm thì hàng năm cũng đưa con cháu về quê đôi ba lần để các cháu biết quê hương là như thế nào. Còn thì chỉ nói với con cháu qua lời kể, qua phim ảnh mà thôi. Vì thế để nói rằng quê tôi là thành phố Hà Nội thì e rằng rất ít người có được điều đó. Tôi có anh bạn ba đời (ông, bố và cậu ta) sống ở Hà Nội, nhưng cậu ta vẫn có quê ở Bắc Ninh và trước đây một năm đôi ba lần về thăm quê, bây giờ thì thường xuyên hơn vì đã nghĩ hưu rồi, có nhiều thời gian và hình như già rồi thì người ta hay hoài niệm hơn về quê hương xứ sở của mình. Cậu ta vẫn không bao giờ vỗ ngực mình là người Hà Nội, nhưng bao giờ cũng nói Hà Nội là nơi đã cho tôi cuộc sống tuổi thơ tươi đẹp, tuổi sinh viên thầm lặng, bình yên và rất đỗi thân thương. Đấy còn là nơi đã hình thành tính cách của con người mình, tạo cho tôi một thói quen sống cho mọi người và cho mình.
         

        Từ rất nhiều người tôi được tiếp xúc và rất nhiều tài liệu tôi đã tham khảo thì thấy rằng những người Hà Nội (có từ ba thế hệ trở lên sống ở Hà Nội) có những cái hay và không thiếu những cái dở mà chỉ người Hà Nội mới có. Trước tiên ta nói về những tính cách tốt đẹp của người Hà Nội. Tôi rất đồng ý với nhà thơ Hoàng Hưng và nhà báo Lê Phú Khải là tính cách nổi bật là “thanh lịch” và đôi khi còn hơn thế nữa, người Hà Nội ‘thanh lịnh’ đến “lịch lãm”. Họ rất hào hoa, phong nhã, có trí thông minh, có tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ, có ngôn ngữ trong sáng, gọn gàng, có sức hấp dẫn tới mọi người. Nhưng người Hà Nội lại không có những đột biến mạnh mẽ để tranh chấp, chém giết tàn bạo những tên hỗn quân, bạo chúa như người các tỉnh khác đã làm tại các cuộc khởi nghĩa. Tính cách đó thể hiện rõ nhất ở Tổng đốc Hoàng Diệu khi biết không thể giữ thành được đã tự vẫn để không bị lọt vào tay giặc.         
      
Nhà báo Lê Phú Khải kể lại rằng: “Người Hà Nội ưa thích sự liêm chính trong sạch không có “máu” tham nhũng, không thích hà hiếp kẻ dưới. Ông nội tôi trước CM tháng 8 làm nhân viên bưu tá cho Toàn Quyền Đông Dương. Đến khi ông năm mươi tuổi, quan Bảy toàn quyền bảo rằng, mày đã đến tuổi hưu theo ngạch của Pháp, nhưng nếu muốn làm quan An Nam thì tao cho ra làm tri huyện, nhưng vì các chức tri huyện đã kín, nếu mày muốn làm tri châu thì tao ký cho mày đi nhận chức. Ông nội tôi xin về và đi chăn bò ở Bãi Giữa, tức bãi Phúc Xá giữa Sông Hồng. Có người trong gia tộc hỏi ông nội tôi sao không nhận làm quan? Cụ trả lời: Lúc làm thông ngôn cho quan Bảy những ngày quan ta lên lễ tết, thấy họ biếu quan trên nhiều thứ lắm. Nếu mình làm quan không ăn của đút thì lấy đâu tiền bạc để biếu quan trên như vậy, nên tôi xin nghỉ thôi”.


          Người Hà Nội là thế, không dám tự đứng lên làm bất kỳ một cuộc khởi nghĩa nào từ mảnh đất Thăng Long này. Soi xét lại lịch sử 1000 năm Thăng Long ta cũng dễ dàng thấy được điều đó. Nhưng người Hà Nội lại dám vác bàn ghế, giường tủ, cửa nhà mình ra dựng chiến lũy chống thực dân Pháp theo tiếng gọi toàn Quốc kháng chiến tháng 12/ 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “….Hà Nội cháy, khói lửa ngút trời…” trong thơ và nhạc của Nguyễn Đình Thi đã được người Hà Nội bỏ lại sau lưng vượt sông Hồng trong một đêm tối trời lên Việt Bắc làm cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhưng người Hà Nội không dám tự đứng lên làm một cuộc khởi nghĩa cách mạng như người Quảng Bình, người Nghệ Tĩnh. Người Hà Nội không có chí tiến thủ, không dám làm việc lớn “khai sơn phá thạch” “lay thành nhổ núi” như các cụ Phan, cụ Hồ ở miền sông Lam núi Hồng. Người Hà Nội sống khép kín, lo gia đình vợ con, không xâm phạm của ai, quan hệ thì có đi có lại, không hào phóng như người Nam Bộ. Trước đây ở Hà Nội làm gì có văn hóa “phong bì”, họ đến nhà nhau theo lời mời khi tết đến, hay sinh nhật của ai đó là bó hoa hồng, một cái thiệp mừng và một lời chúc an lành và hạnh phúc. Bây giờ văn hóa “phong bì” đã làm hỏng lòng tôn trọng, sự lịch lãm của mọi người nói chung và của người Hà Nội nói riêng.
           

          Người Hà Nội không có máu tham, không dám dấn thân làm việc khó, anh ta e ngại đủ điều, chỉ thích sống bình yên, không muốn xa “ba mươi sáu phố phường” nên ít người gốc gác Hà Nội mà làm to được. Họ quan niệm muốn lên cao phải có thủ đoạn, phải nhẫn tâm, phải dìm thằng này xuống thì mình mới nổi lên được vì thế người Hà Nội nghĩ an phận thủ thường mà thôi. Mình chưa dẹp được ai thì người ta đã “dìm” mình chết trước rồi. Người Hà Nội không ưa sự ồn ào phô trương, rất ghét thói “trưởng giả học làm sang” kệch cỡm lố bịch. Họ sống bình lặng, nhưng rất sành điệu ăn chơi. Có người lấy sự sành điệu ăn chơi làm lẽ sống của mình hơn là làm những việc ích nước lợi dân. Họ không ham hố mấy sự làm quan, nhưng lại thích học hành. Bố anh bạn tôi, đang học dở năm cuối trường thuốc thời Tây thì cách mạng Tháng Tám nổ ra. Ông tham gia cách mạng, tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội, tham gia tích cực và là một trong những người lãnh đạo “Tuần lễ vàng” tại Hà Nội. Sau đó đã làm đến chức khá to trong chính phủ của Cụ Hồ. Đến toàn quốc kháng chiến ông lại không lên Việt Bắc ngay với Cụ Hồ mà ở lại Hà Nội học hết năm cuối trường thuốc, cầm trong tay bằng bác sỹ thời Tây cấp rồi mới lên chiến khu theo Cụ Hồ đánh Pháp. Người Hà Nội còn có một đức tính nổi bật là rất thích vay, nợ bởi vay nợ phục vụ cho việc buôn bán và vì ở đây là nơi tập trung trên bến dưới thuyền truyền thống của người Hà Nội. Họ vay nợ ai đều lo lắng, ghi sổ để nhớ ngày phải trả nợ. Việc nợ tiền đó thôi thúc anh ta ngày đêm lo trả, không hề có ý định ăn quỵt, hay giả vờ quên.


        Bây giờ nếu các bạn về Hà Nội, sẽ thấy Hà Nội to hơn, rộng hơn, nó bao trùm hết cả Hà Tây, nhưng Hà Nội bây giờ 10 người tự xưng là Hà Nội thì có 8 đến 9 người từ các nơi khác đến ngụ cư. Hà nội bây giờ (có thể) là Thủ Đô duy nhất trên thế giới có người mù chữ, ký tên bằng điểm chỉ. Phần lớn người các tỉnh về Hà Nội họ làm quan, làm thơ, viết văn, làm dân thường. Họ mang lối sống “hỗn tạp” (từ dùng của nhà thơ Hoàng Hưng) đến đất ngàn năm văn vật. Bây giờ người Hà Nội nói ngọng, không phân biệt phụ âm n và một là chuyện vô tư. Ngồi các quán bia ăn tục, chửi bậy là chuyện thường ngày ở Hà Nội. Vượt đèn đỏ, đánh võng, hơi va chạm một tí là gây gổ đánh nhau, sẵn sàng rút dao ra đâm ngay người khác dù người đó bằng tuổi bố, ông mình. Đi xe sai luật bị Công An bắt, gọi điện thoại nhờ các quan thân quen, đồng hương đến giải quyết hộ là chuyện thường gặp và được nói tới tại khắp mọi nơi trong cái thành phố hỗn tạp và nhiều mầu sắc, nhiều tiêu cực như Hà Nội hiện nay.
         

      Cuối cùng để kết luận cho bài viết tâm sự đôi điều về người Hà Nội của tôi, tôi xin trích nguyên văn ý kiến như thế này của một nhà làm báo người Hà Nội: “Tóm lại, người Hà Nội sống bình lặng, lịch lãm, tôn trọng lẽ phải đạo đức và chính nghĩa, không dám dấn thân, không dám làm việc lớn, hay hoài vọng và mơ mộng, thích gặm nhấm nỗi cô đơn, buồn tủi của kiếp người. Đó là đặc trưng phổ quát của người Hà Nội. Tôi có thể dẫn ra đây cả một trăm, một ngàn ví dụ sống về những tính cách đó của người Hà Nội. Không phải nhà lý luận, chỉ có thói quen nghề nghiệp hay quan sát, tôi cung cấp những chi tiết, vậy thôi”.

11 nhận xét:

Một người Hà Nội nói...


Tôi rất thích những nhận xét của tác giả bài viết về người Hà Nội. Đó là những cảm nhận thật mà chỉ có những người đã sống lâu (cả một thời tuổi trẻ mới có đc), những ai đã ko sống ở thời điểm của những người Hà Nội đó thì sẽ ko thể nào hiểu được tâm trạng của tác giả. Mỗi người đều có một nơi thân thương để mà gửi gắm để mà hoài niệm, chỉ có ai hiểu tâm trạng của người viết, thì mới đồng cảm được với tác giả mà thôi. Trong bài này tôi không nói tới văn học, tôi chỉ nói tới tâm trạng, nỗi niềm và các lượng thông tin mà tác giả đưa ra, đấy là tuyệt vời, đấy là quan điểm của tác giả. Còn độc giả nào chấp nhận hay ko đều ko quan trọng, anh ta viết về các sự kiện có chọn lọc và viết cho mình mà. Theo tôi đó là bài viết đáng đọc

Reply, Reply All or Forward | More

Viên Thạch nói...

Có người ý kiến với bài viết thế này :
"Vâng, em cũng rất thích cách anh bảo vệ cảm nhận của mình, vì thế em mới chia sẻ cái mail ấy. Đúng là mỗi người có cảm nhận riêng, không thể áp đặt được cho ai. Đó là cảm nhận của bạn em, nó cũng là dân gốc HN nhiều đời, dân "dòng dõi" chứ không phải dân cách Hn hàng trăm km như em, hihi.
Em thích người có chính kiến riêng, như anh và bạn em, nó không bị a dua theo người khác, đó mới là quý. Còn em, đôi khi (hì hì nhiều khi), không được như vậy, đó mới chán. Bài viết của anh, đêm qua em đọc lại rồi. Em ngẫm nghĩ nhiều và thấy anh đặt ra nhiều vấn đề rất khác với những bài thương nhớ HN khác, nó có cái riêng. Em tôn trọng cái riêng ấy".

Viên Thạch nói...

Một người khác nữa :
Tuyệt vời. Đó là những ý nghĩ công bằng nhất, vì thế mà nhân văn nhất. Nếu không vô tư, công bằng mà quan sát thì đã quy chụp, chì chiết, hằn học, hoặc xu nịnh, nhạt nhẽo. Em tin vào các nhận xét này, vì nó đã và đang là của bọn em, chỉ có điều em không nói ra. Em còn gặp nhiều người, (học giả), họ thử tìm cách giải thích cội nguồn, nguyên nhân tính cách người HN, và người các vùng đặc biệt như Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng bình. Trong đó có yếu tố địa hình, địa lý, nghe cũng có lý lắm anh ạ. Ở đâu phong cảnh núi non, sông biển hùng vĩ, ở đó dễ nảy sinh ý lớn, chí lớn. Em đọc tài liệu mật "búp sen xanh" nói những sự thật về tình cảnh của Bác Hồ bị đối xử những năm cuối đời, mới có dịp được biết những chuyện như: ngày nhỏ (5 tuổi), Bác theo cha đi ăn giỗ, có lúc phải vượt đèo cao. Lụi cụi vượt lên đỉnh đèo, nhìn xuống mới thấy những thứ to lớn, vi đại dưới mặt đất đối với cậu bé 5 tuổi, giờ trở nên nhỏ bé. Tầm mắt cậu bé đã vượt được lên, nhìn xuống biển thấy cánh buồm bé tí, và thậm chí nảy ra ý định điều khiển những cánh buồm... Cậu bé đã có 4 câu thơ, rất giản dị, mà rất ý chí, Đại loại những chuyện như thế... Em cũng tin là mảnh đất quê hương cũng quyết định tính cách nhiều. Bằng chứng là có nhiều người sinh ra hoặc lớn lên ở vùng đất khác, mà vẫn lưu giữ, hoặc phảng phất tính cách con người nơi quên hương họ. (thói quen, phong cách thì có thể biến đối theo vùng miền họ sống, nhưng tính cách, bản chất thì lưu giữ ).

Viên Thạch nói...

Và nữa :
Đề tài mà anh đưa ra là một đề tài hay, rất nhân văn, rất có ý nghĩa thưc tiên. Nhưng mà anh chưa nên đưa ra ngay lúc này. Đợi chút nhé, sẽ "lành" hơn.
Em rất cảm phục anh về bài viết. Rất khúc triết và khách quan, chính trực. Văn phong cũng thuyết phục lắm, giản dị, chân thành. Em cảm ơn anh lắm. Em chúc anh những ngày vui và bình yên nhé. Anh yên tâm, vẫn có những người bạn hiểu mình, luôn bên mình, chân thành, trung thành. em cũng yên tâm với mình như thế.

TQtrung nói...

"<>"
Đọc cái đó xong chú bật cười, ông HoànG Diệu người miền Nam, ra làm thống đốc HN may lắm được một hai năm, cái chết của ông bỗng chốc biến thành một đặc tính của người HN. Anh Minh viết hay đấy, nhưng chú nghĩ có viết về vấn đề vùng miền là khá nhạy cảm.

TQtrung nói...

"Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, sau mới đổi là Hoàng Diệu, tự là Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai. Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tý (1828), trong một gia đình có truyền thống nho giáo tại làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Gia đình ông có 7 anh em và họ đều nổi tiếng là những người thông minh trong vùng. Sử chép rằng gia đình Hoàng Diệu có một người đỗ phó bảng, ba người đỗ cử nhân, hai người tú tài trong các kỳ thi dưới thời vua Tự Đức. Một trong những hậu duệ của ông hiện tại là nhà toán học Hoàng Tụy."

Viên Thạch nói...

Vậy là nhầm à chú Kỳ Minh ơi ? Cháu cũng chưa tìm hiểu gì về Hoàng Diệu bao giờ!

Kỳ Minh K2 Trỗi nói...

Thực ra thời của Hoàng Diệu cũng là một kiểu người Hà Nội nữa. Ông đã lấy mạng sống của mình để bảo vệ khí tiết của người Hà Nội. Nếu xét về lịch sử thì tôi nghĩ mình không nhầm, ông vẫn là người Hà Nội mà. Cho nên bây giờ ta hỏi "Như thế nào là NGƯỜI HÀ NỘI" thì đó cần một câu trả lời giành cho các độc giả.

Nặc danh nói...

Người Hà Nội thực ra là người Thủ đô, là hội tụ và hoà đồng các đặc trưng văn hoá của những người ở các vùng miền khác nhau trong cả nước tụ về Hà Nội. Nó có nét đặc trưng thiên về nhóm người (tầng lớp) nổi trội trong cộng đồng người ở Hà Nội.

Nặc danh nói...

Người Hà Nội thực ra là người Thủ đô, là hội tụ và hoà đồng các đặc trưng văn hoá của những người ở các vùng miền khác nhau trong cả nước tụ về Hà Nội. Nó có nét đặc trưng thiên về nhóm người (tầng lớp) nổi trội trong cộng đồng người ở Hà Nội.

Viên Thạch nói...

Người Hà Nội thực ra là người Thủ Đô! mà người Thủ Đô thực ra là người đến từ các vùng miền. Mà người đến từ các vùng miền này lại sống ở Thủ Đô. Những người sống ở Thủ Đô này lại có những nét văn hóa vùng miền... gọi là người Hà Nội. Điểm đặc trưng nổi bật ở đây người được gọi là Người Hà Nội hầu như đều là những "tinh hoa" không mặt này thì mặt kia của các vùng miền tụ về, ở mọi lĩnh vực, mọi giai cấp. Chính những con người này là nhân tố quyết định lên "thương hiệu" cho Hà Nội! ND nhỉ ?