Bỗng nhiên tôi nhận được email của một người đặc biệt. Tôi gọi là đặc biệt bởi tôi chưa từng một lần gặp mặt, chưa từng nói chuyện và lại đang ở tận Vương quốc Anh xa xôi. Người đó có dặn tôi, nếu muốn biết người đó là ai, cứ hỏi chú Kiến Quốc. Tôi vẫn chưa hỏi, bởi tôi có thói quen luôn kiềm chế sự tò mò của mình, nhất là về một người nào đó bỗng nhiên dành cho tôi sự quan tâm đặc biệt. Tôi muốn tự cảm nhận, tự tìm hiểu, tự bộc lộ những chân thành của mình để nhận về những gì đúng với cảm nhận của riêng tôi. Tôi cũng mới chỉ biết người đó tên là CB, chú Kiến Quốc có thêm thông tin là chú CB, T.k5, hiện sống tại London. Tôi biết thế !
Món quà đầu tiên chú CB tặng tôi là một "bài tập tình huống" xảy ra trong cuộc sống, thuộc lĩnh vực pháp luật vì chú đã nhìn thấy tôi có giới thiệu về mình. Bài viết của chú là thực tế chú trực tiếp tham gia với vai trò là jury (hội thẩm nhân dân) trong một vụ án hình sự tại Anh. Với trải nghiệm lý thú ấy, tôi đã liên tưởng và so sánh với VN mình, quá nhiều khác biệt. Nếu tôi là một nhà chính trị, điều tôi muốn quan tâm ở đây chắc chắn là : Nếu bạn là một người VN, bạn thấy khác biệt gì trong cách xét xử tội phạm của ta với họ ? Bạn có nghĩ nếu áp dụng cách đó tại VN thì điều gì sẽ xảy ra ? Tại sao lại thế ?
Xin được đăng nguyên văn bài viết này. Hy vọng chú CB có thể bổ sung nếu có và cũng mong các bạn đọc biết trong đó một cái quyền rất lớn mà nhà nước VN ta đang mong người dân lên tiếng để Hiến Pháp sửa đổi lần này được hoàn thiện hơn. Tôi đã thấy chú CB còn rất nhiều "kẽ hở" để chúng ta thảo luận quanh vấn đề này !
Xử án bằng Jury
Trong xã hội loài người để giải quyết những chuyện tranh chấp, ở những bộ lạc đó là người già nhất và có kinh nghiệm nhất sẽ làm quan tòa trong những việc xử án đó.
Ở châu Âu trong thời kỳ trung cổ, nếu có tranh chấp gì thì 2 bên sẽ ra đọ gươm (sau đó là đọ súng) với những người làm chứng đứng xung quanh, ai có tội thì sẽ có trời chứng giám, kẻ đó sẽ chết.
Trong pháp luật nước Anh (cũng như sẽ thấy thực hiện trong tất cả những nước nói tiếng Anh) hiện nay xử án bằng Jury.
Mỗi khi một người bị cáo về hình sự trước pháp luật sẽ bị khởi tố bởi Crown Prosecution Services viết tắt là CPS (Cơ Quan khởi tố Hoàng Gia) đưa ra tòa Magistrate Court (tòa án hình sự), trong đó sẽ có 3 quan tòa (Magistrate) xử án.
Nếu bị cáo kháng án là không có tội (not guilty) thì bị cáo sẽ được chuyển lên Crown Court (Tòa Án Hoàng Gia), những vụ án lớn như giết người chẳng hạn sẽ được chuyển lên Tòa Thượng Thẩm (High Court).
Trong tòa Crown Court và Thượng Thẩm sẽ xử bằng Jury, trong những tòa đó ngồi trên bàn thẩm phán sẽ có 3 Judges (Quan tòa về luật) trông nom về những thủ tục luật pháp, còn phán xét có hay không tội là Jury.
Những người làm Jury sau khi xem xét tất cả những bằng chứng 2 bên buộc tội và bên bị cáo, sẽ dùng những nhậy cảm thông thường nhất của con người về cái đúng và cái sai (common sense) để kết tội hay không bị cáo. Nguyên tắc là chỉ khi bằng chứng rõ ràng, rành mạch nhất, không còn nghi ngờ gì nữa (beyond reasonable of doubts ) thì mới kết tội bị cáo.
Jury là 12 người công dân của Anh, được chọn bởi máy tính trong danh sách những người đi bỏ phiếu. Đây là nghĩa vụ công dân, thường là 2 tuần (khi một người bị gọi đi làm Jury, tất cả các cty đều phải giải phóng công việc của người đó trong khi làm nghĩa vụ Jury). Tất cả những ai có lệnh của tòa án đến phục vụ tòa, kể cả Jury mà không đến sẽ bị truy tố trước pháp luật về tội khinh thường luật pháp (contempt of the court). Khi được gọi vào làm Jury một vụ án nào đó phải tuyên thệ là hoàn toàn không biết một người nào đó trong vụ án kể cả bị cáo.
Khi những người đến làm nghĩa vụ Jury, trước khi vào một vụ xử án nào đều phải tuyên thệ là mình hoàn toàn không có 1 tội án hình sự nào từ trước đến nay, nếu lừa đảo sẽ truy tố về tội perjury (lừa đảo về pháp luật).
Đầu những năm 90s tôi bị gọi đi làm nghĩa vụ Jury trong 2 tuần, trong thời gian đó có 1 vụ kéo dài 4 ngày.
Đầu tiên bên khởi tố PCS đọc lệnh khởi tố về bị cáo A (đứng trong vành móng ngựa) về tội sát thương cơ thể người khác ( grievously bodily harm ), bằng chứng là B đã bị bị cáo A dùng dao đâm bị thương trong tối hôm N đó, tất cả bằng chứng là dấu tích vết đâm do bác sĩ xác nhận, con dao tìm thấy ở hiện trường, nhân chứng là bạn của B chứng nhận A đâm B, bằng chứng cảnh sát là B đã nhận diện chính A là người đâm mình.
Luật sư phía bên bị cáo sau đó mới lên trình bầy, sự việc tối hôm đó là một nhóm người phía bên B kéo đến nhà bị cáo A vì một bạn gái của B biết nhà bị cáo A, mà một người trong nhóm của B lại vừa giật dây chuyền vàng của em bị cáo A (vụ đó đã xử và người đó có tội) để thuyết phục em của A đừng ra tòa để làm nhân chứng kết tội người của nhóm B.
Sau đó mẹ của A ra đuổi nhóm người của B đi, thì bạn gái của B với mẹ của A cãi nhau và đánh nhau dữ dội, thấy vậy B nói là B nhẩy vào can 2 người đàn bà ra, khi đó thấy A nhẩy vào và B kêu lên “tao bị đâm rồi” thế là tất cả biến mất, sau đó xe cứu thương và cảnh sát đến thực hiện mọi nhiệm vụ của mình.
Bị cáo A chọn cách là giữ im lặng từ đầu đến cuối, vì luật Anh là nếu buộc tội 1 người nào đó thì phía bên CPS phải chứng tỏ người đó có tội beyond reasonable of doubts cho Jury kết tội người đó, còn nếu vẫn còn nghi ngờ là người đó không có tội thì phải kết luận là không có tội.
Sau 3 ngày khi 2 bên kết thúc những trình bầy của mình, 12 người Jurors bắt đầu vào 1 trong phòng kín và tranh luận với nhau là bị cáo A có tội hay không? Sau 4 tiếng thì 9 người nói là không có tội, còn 3 người nói là có tội, người Judges gọi Jury ra và hỏi có thống nhất được việc kết tội hay không? Thì tổ trưởng Jury nói là không, khi đó Judge tuyên bố sẽ chấp nhận 10-2 về kết tội và lại gửi Jury vào phòng đó tranh luận tiếp. Sau 1 giờ thì 10 người nói là không có tội còn 2 người nói là có tội, như vậy đạt được 10-2, tổ trưởng Jury báo ra với Judge là đã đạt được 10-2.
Trước tòa tổ trưởng Jury đọc kết luận của Jury là KHÔNG CÓ TỘI.
Người Judge tuyên bố là A không có tội và cảnh sát phải thả A.
17 nhận xét:
Chú đọc lại trên blog của VT mà thấy chóng mặt. Có lẽ phải đọc lại nhiều lần nữa vì có nhiều khái niệm mới, lại bằng tiếng Anh. (Nhất là mình dốt luật).
Xác nhận : đã có một người tự nhận mình dốt Luật !
Cháu túm gọn lại một tí để chú KQ đỡ phải đọc nhiều lần nhé.
Bài viết này chú CB đề cập tới 3 vấn đề lớn :
1. Sự phân cấp (hay thẩm quyền) của tòa án trong xét xử :
Sau khi bị cơ quan có thẩm quyền (Crown Prosecution Services) khởi tố, người bị nghi ngờ có tội sẽ bị xét xử ở cấp đầu tiên đó là Magistrate Court (gồm 3 quan tòa), nếu kháng án, cấp cao hơn thụ lý giải quyết vụ việc sẽ là Crown Court (Tòa Án Hoàng Gia), và nếu vẫn kháng án tiếp thì tòa án cao nhất sẽ giải quyết vụ việc là High Court (Tòa Thượng thẩm). Hai cấp tòa xét xử nhận kháng án sẽ có sự tham gia của jury.
2. Quyền công dân : Nổi lên ở đây là những người có quyền đi bầu cử (là công dân nước Anh) buộc phải có nghĩa vụ làm jury nếu bị yêu cầu. Và quyền về con người được tôn trọng trong việc tuyên thệ trước pháp luật về sự trong sạch và trung thực của mình. Công dân nước Anh ý thức rất rõ sự không trung thực của mình sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
3. Giải quyết vụ án bằng sự khách quan : Với một vụ án hình sự như chú CB tham gia, đã đầy đủ các yếu tố của nguyên nhân, đối tượng tham gia, của tang chứng vật chứng, của người chứng kiến, chứng nhận y khoa về thương tích và của luật sư bào chữa, ... lại nổi lên vai trò của các jurors.
(Chú KQ có nghĩ, nếu 12 jurors kia là người VN, điều gì sẽ xảy ra ?!)
Cuối cũng, vụ án đã khép lại với cáo buộc : Không có tội. Lập luận của Luật sư đã là gì để các jurors đồng ý ? Câu trả lời này sẽ dành cho chú CB
Đúng là gặp thầy gặp thợ có khác, mọi việc được giải thích "rõa ràng". Nghiêm minh của pháp luật, trách nhiệm của công dân, vv và vv... chả thấy ở ta mà chỉ thấy ở nước TC. Haaa!
Nước TC là nước gì vậy chú KQ ? Cháu chưa dịch ra được là nước gì ?
TBCN, viết nhầm thành TC.
Chú cũng dốt luật. Và có lẽ đại đa số dân VN dốt luật. Cháu nên tổ chức bổ túc kiến thức luật cho mọi người. Nhưng có một điều là ở ta người ta có xử lý mọi vấn đề theo luật đâu? Người ta thích xử thế nào thì ra thế ấy thôi. Vậy kiến thức luật có giúp được ji ko?
Chú QV nói đúng đấy ạ. Ở VN dốt luật mà có nhiều tiền thì có lẽ vẫn vô tư, nhưng dốt luật mà không có tiền thì khổ lắm chú ạ. Trong khi người không có tiền đông hơn người có tiền chú nhỉ ? Có nhiều vụ thấy xót xa lắm.
Kiến thức luật giúp cho bản thân mình biết giới hạn hành vi của mình, giúp mình giáo dục con cái, giúp mình nhận rõ giá trị tinh thần, vật chất mình đang có... nhiều lắm chú QV. Quan trọng hơn là biết tự bảo vệ mình trước nguy cơ và biết chấp nhận nếu điều không mong muốn đến... Cháu nghĩ thế.
Mục đích bài viết là giúp cho người đọc hiểu thêm về suy nghĩ, cuộc sống và luật nước Anh.
Người làm công việc jury không được phép nói khi tranh luận trong buồng đó như thế nào, nên bài viết trên góc độ như một người ngồi xem vụ án.
Trong tiếng Anh không có tội (not guilty) không đồng nghĩa với từ trong trắng (innocent).
Ở nước Anh phần lớn những vụ truy tố chủ nhà bắn chết, hay dùng vũ khí đánh chết kẻ trộm cướp vào trong nhà đều là thất bại.
Quyền tự vệ (self-defend)thiêng liêng như quân đội bảo vệ tổ quốc.
CB
Quyền tự vệ của chủ nhà trong các vụ trộm cướp ở nước Anh như chú CB nói được tuyên vô tội là quyền rất chính đáng, cháu rất nhớ các bộ phim Mỹ có tình huống ấy. VN mà thế, chắc vẫn không được tuyên vô tội mà chuyển sang tội mới "giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng"!. Lúc ấy ai lại nghĩ được là, chờ nó giết mình rồi mình mới giết nó nhỉ ?!!!
Vậy trong cuộc sống thế nào là "common sense"?, nên chú nói là để giúp cháu hiểu thêm về suy nghĩ ở một nơi khác thôi.
Còn tại sao VN không biết xếp hàng?
CB
Chú hỏi thế, cháu lại thấy hiện ra nhiều câu hỏi nữa !
chú biết rằng nghề luật sư sẽ có và luôn luôn muốn hỏi, cháu cứ việc viết hết những câu hỏi, chú sẽ cố gắng khi có thời gian sẽ trả lời cháu bởi một số bài viết khác.
CB
Khi nào chú viết về những điều gì pháp luật (ở Anh) quy định mà làm cho chú cảm thấy mình đang được bảo vệ, được an toàn, được tự hào về những quy định pháp luật ấy nhé ?
VT muốn rõ hơn về chú CB, hãy mang nho táo tới thăm thương binh mù mắt Quốc Việt ắt tỏ tường.
Dốt thật mà! Đi dâu cũng chép cũng ghi, không biết thì hỏi tự ti làm gì!
Đăng nhận xét