Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Đi lễ đầu năm


Mình là người theo chủ nghĩa duy vật, không duy tâm, mọi điều được, mất, đến và đi diễn ra trong cuộc sống luôn được mình hiểu theo một logic tất yếu, là kết quả từ tư duy và hành xử của con người, mà theo duy tâm thì được gọi là "nhân quả".

Mình không duy tâm, nên không hiểu về các nghi thức đền, chùa. Không biết cách khấn vái, lễ lạt, cầu xin như nhiều người khác, nên đến chùa hay đền chỉ thích vào những hôm vắng lặng, thích ngắm sân chùa, cây cối, và thinh không... Không hiểu, không biết, nhưng không thấy nơi đền chùa là nơi xa lạ, khác biệt, mà trong lòng đâu đó vẫn tìm kiếm một niềm tin, một góc tâm hồn thanh tao nơi của Phật, bởi thế, thỉnh thoảng bạn rủ, mình cũng vẫn đi lễ chùa...




Sáng qua, trời lạnh, bạn rủ đi đền Mẫu ở Hưng Yên. Chuẩn bị thức ăn buổi trưa cho các bạn ở nhà, mình vèo xuống đường khi bạn xinh đến đón. Đường đi Hà Nội - Hưng Yên bây giờ rất đẹp, được ngồi BMW êm ả bạn lái mà thấy sung sướng, không giống mấy năm trước muốn đi xa phải nhờ người khác lái, bạn chỉ ngồi buôn dưa!

Đến đền, choáng ngất ngây vì đông nghìn nghịt. Xe phải chầm chậm tiến vào khu vực cổng chùa tìm chỗ gửi, bỗng thấy anh bạn Thanh học cùng đại học đang đi bộ bên đường, mình buột miệng thốt lên "ôi, phóng viên báo nhân dân, bạn mình cũng đi lễ kìa!", may mà anh bạn mải đi không nhìn thấy, vì mình thốt lên câu hơi bị hâm. Gửi xe xong, vào mua đồ lễ. Ôi la la..., người đâu đi lễ đầu năm khiếp quá, liếc ngang liếc dọc thấy toàn dân công sở văn phòng, nhiều dân tình trông có vẻ sếp ơi là sếp nữa ;). Vào  tận bên trong, chỗ ban thờ chính chật cứng người, thấy hơi bị nhiều công an vào xin quẻ, mặc thường phục nhưng không khó lắm để phân biệt.

Lễ chùa, theo chân bạn không biết bao nhiêu lần, hỏi không biết bao nhiêu lần vẫn không nhớ ban thờ nào thờ ai, ban thờ nào là thiêng nhất? Vẫn lắc ống xin quẻ, nhưng toàn quên phải tập trung xin cái gì cho mình. Vẫn buồn cười khi mấy anh mấy chị phía sau cứ đẩy đẩy, chen chen, thúc thúc để mau tới gần chỗ họ muốn bất chấp ai đứng trước mặt. Khổ nỗi, cái chưn mình hơi dài nên giữa đám đông mới nhận ra mình có thể nhìn cục diện các gương mặt khác mà không phải kiễng, nên thấy rằng, chẳng mấy người Việt Nam ta đứng trước bàn dân thiên hạ mà mặt mũi bình an, vô tư.

Đến chùa, để tìm thấy khoảng tâm hồn thanh tịnh, để nghĩ rằng, hướng thiện và vượt mọi khó khăn, vì những người yêu thương ta mà sống. Hãy biết tự bảo vệ bản thân, đừng để ai dẫm đạp, mặc dầu một điều quan trọng, Phật dạy: chữ "nhẫn" xếp hàng đầu. Nhưng, phàm là con người chân chính, mình cũng nghe theo lời Bác Hồ, tuỳ đối phương, hoàn cảnh, như lẽ đương nhiên trong lời hiệu triệu đồng bào: "...chúng ta đã nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng, giặc Pháp càng lấn tới... Hỡi đồng bào cả nước!.... ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm..." ;-), thì "nhẫn" lúc này phải trở thành hành động mất rồi!

Yêu những ngôi chùa, nhưng... logic, biện chứng trong mình cứ luôn tồn tại. Nhẫn - phải học, và làm cho người khác phải biết nhẫn - cũng phải học. Đến chùa để học chữ nhẫn, nhưng cũng cần đến trường để học văn hoá và đến những bảo tàng để học lịch sử. 

***
P/s: không muốn kể chuyện mình rút thẻ rồi đi gặp ba ông thầy. Ra về, thấy các thầy khiếp vãi :P. 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Phải kể rằng hầu như gần đây nhiều năm mình cũng đến đền mẫu Hưng Yên với tâm
thế là người lái xe , vậy nên không lo khấn vái gì , kiếm cái hàng nước có gốc cây xà cừ đôi đối diện đền ngồi nhìn khách thập phương sau khi dạo bộ chán chân quanh phố . Thật thú vị khi nhìn , nhận dạng loại người qua hành vi của họ trước đền Thánh ( anh viết báo nhân dân , vài anh công an , các sếp gám đốc sở ban ngành háy kinh tế nhà nước)đôi lúc nghe trôm mấy anh đọc thẻ cho người ta mà sặc ngụm trà trong miệng he he he !
Tuy vậy đầu năm đi điểm đấy cũng thú vị , đường xá khá tốt , đi lối qua Ecopac , lúc về nếu biết chọn có nhiều quán ăn khá ngon và rẻ .

Viên Thạch nói...

Em thì cũng dốt cái năng khiếu "biết chọn" nên chẳng biết quán nào ngon để rẽ vào, nên vòng vòng trên phố, kiếm được quán bún cá, mỗi đứa ăn một bát, rồi về, ND ạ.