Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2022

Chuyện xưa...


Một thời, từ "bần cố nông" là niềm hãnh diện của nhiều người, trong đó có tôi!

Tôi biết đến những từ "bần nông", "cố nông", "bần cố nông" khi khai lý lịch để thi vào đại học. Tôi không hỏi bố "bần nông" là gì vì tự hiểu đó là thành phần gia đình nghèo khó, có thể dùng chung cho cả những người chân lấm tay bùn, sống trông chờ vào cây lúa, củ khoai...

Ngày ấy, tôi cứ cảm giác khai trong mục thành phần gia đình là "bần nông" nghe cứ oai oai sao ý, kiểu "tao đây nhà nghèo" ắt là trong sạch ý!

Và rồi, nhiều năm sau đó tôi cũng vẫn ghi như thế trong lý lịch, chẳng hiểu vì sao khi mà đã biết mình sinh gia trong một gia đình bố mẹ là trí thức, viên chức nhà nước, không thuộc thành phần như những người buôn bán hay làm nông được? 

Hình như tôi có cảm giác khi bố hướng dẫn tôi đặt bút kê khai về thân nhân, vẫn đâu có là nỗi sợ hãi mơ hồ từ lâu nếu thuộc thành phần gia đình có điều kiện, là nhân sĩ, tri thức... thì không được an toàn, sợ sẽ có lúc gặp tai ương bất ngờ vậy?.

Đến giờ, khi đã đi đến 3/4 vòng đời rồi, tôi được nghe vài chuyện về thời ông bà, cụ kỵ tôi trước đây, về cải cách ruộng đất,... thì tôi lại rơi vào một cảm giác khác. Tôi nhận ra mình sinh ra trong một gia đình 3 đời là trí thức, không nghèo khó bần hàn mà thuộc tầng lớp cao quý trong xã hội, vậy thì tại sao lại không thể nói về điều đó một cách tự hào? 
Tại sao lại không kể?

***

Cụ tôi, ở Tiền Hải, Thái Bình khi cải cách ruộng đất bị liệt vào hàng địa chủ. Ông nội tôi thời bấy giờ đã là đảng viên, là giáo viên và bố tôi thời đó đã gần chục tuổi, đã chứng kiến và cảm nhận rõ sự cay đắng của những gia đình vướng vào tai ương ấy.

Rồi sửa sai, nhiều thứ được khôi phục, nhưng cũng nhiều điều không bao giờ lấy lại được nữa, chỉ còn lại lớn nhất là cái chất của "con nhà địa chủ" truyền lại được cho đời sau.

Ông tôi đưa bố tôi lên Tây Bắc theo tiếng gọi của Đảng, xây dựng vùng kinh tế mới, rồi đưa bà nội và ba em của bố tôi lên theo, vất vả nhưng lại là nền móng vững chắc cho thế hệ chúng tôi bây giờ.

Bà nội tôi làm cửa hàng lương thực Nghĩa Lộ, sinh thêm đủ 10 con. Ông nội tôi dạy học, làm hiệu trưởng các trường phổ thông trong địa phận tỉnh Nghĩa Lộ, rồi về nghỉ hưu khi là Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục tỉnh Nghĩa Lộ bấy giờ. Bố tôi theo nghề ông.

Mẹ tôi khi mới đi dạy học là giáo viên thuộc trường ông tôi làm hiệu trưởng, bố tôi "cua" mẹ và mẹ tôi thành con dâu của Sếp!  

Có một điều mà giờ đây ngẫm lại mới hiểu, vì sao chúng tôi hơn 20 anh chị em đều "sáng sủa, khôi ngô", có tư chất và tử tế. Bố mẹ tôi già rồi, nhưng vẫn còn đó những nét đẹp thời trẻ, vẫn tươi tắn và thần thái "nhà giàu" dù chỉ là ông bà giáo (hơi) nghèo.

Những ngày tháng của năm 2022 sắp kết thúc. Những bức ảnh này tôi chụp cho bố mẹ tại Đà Lạt, sẽ là những đốm lửa ấm trong mùa Đông giá lạnh...

Không có nhận xét nào: