Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Có một thời hoa đỏ...


Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Bước lặng trên con đường vắng năm nao
Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào
Anh mải mê về một màu mây xa
Cánh buồm bay về một thời đã qua
Em thầm hát một câu thơ cũ
Về một thời thiếu nữ say mê (Về một thời hoa đỏ diệu kỳ)
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi
Như nuối tiếc một thời trai trẻ
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau
Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu thương
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc, em không đi hết những ngày đắm say
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Sau bài hát rồi em lặng im, cái lặng im rực màu hoa đỏ
Sau bài hát rồi em như thế, em của một thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế, anh của một thời trai trẻ ngày xưa

Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi

THỜI HOA ĐỎ
Nhạc: Nguyễn Đình Bảng
Thơ: Thanh Tùng
Mời Click vào tiêu đề bài viết để nghe ca khúc này !
          
           Ca khúc THỜI HOA ĐỎ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ thơ Thanh Tùng được đánh giá là một trong những bản tình ca hay nhất thời kỳ đổi mới với những nốt nhạc tha thiết bên những ca từ đẹp, giàu tính biểu cảm. Nghe ca khúc này, nhất là vào thời điểm HÈ VỀ, phượng nở, dường như ai cũng tìm được cảm xúc của mình trong đó. Từ khi ra đời năm 1989 đến nay, THỜI HOA ĐỎ đã trở thành bài hát "ruột" của nhiều thế hệ thanh niên và cả những người đã đi qua cái "thời hoa đỏ". Ca khúc này nằm trong chùm tác phẩm đã mang về cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật  năm 2007.
           Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đã từng chia sẻ với VNCA những câu chuyện xung quanh ca khúc THỜI HOA ĐỎ :
           "Năm 1989, tôi là một trong 4 nhạc sĩ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đi dự trại sáng tác ở Liên Xô (cũ). Ngày ấy, do hơi chủ quan về quần áo nên tôi mang sang không đủ ấm để chống chọi với giá lạnh mùa Đông bên đó. Sau một tuần, tôi bị ho ra máu. Tình hình nguy kịch, nửa đêm tôi được anh em cùng đoàn và các đồng nghiệp Nga đưa đi viện. Nằm hơn một tháng thì tôi được chuyển sang Viện Lao. Thời gian ở Viện buồn kinh khủng. Bạn có tưởng tượng, xa người thân, xa gia đình, xung quanh chủ yếu toàn người lạ. Hàng ngày tôi cứ đứng tựa cửa sổ bệnh viện nhìn tuyết phủ trắng xóa bên ngoài, cảm giác cô đơn, nhớ nhà càng xâm lấn tâm hồn. Để đỡ buồn tôi lục ba lô lấy quyển "99 bài thời tình" mà tôi mua ở Việt Nam để đọc. Tôi vốn là người rất  yêu thơ. Khi đọc đến bài THỜI HOA ĐỎ của Thanh Tùng, không hiểu sao hình ảnh "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ"  cứ ám ảnh tôi... Cảm giác nuối tiếc, buồn bã của nhà thơ sao giống mình đến thế. Bài thơ thức dậy trong tôi những trải nghiệm, những cảm xúc của mình trước đây và tôi  như gặp lại mình của những năm về trước. Ngay sau đó, những giai điệu đầu tiên của bài hát tự nhiên ngân lên trong tôi. Khi bài hát hoàn thành, tôi ngồi hát trên giường bệnh và thấy lòng nhẹ bẫng như vừa trút bỏ được những buồn phiền trước đó. Sau này về nước, tôi có hoàn thiện lại thêm một chút và ca sĩ Lệ Thu trong TP. HCM là ca sĩ đầu tiên hát thành công bài hát này".
          Không khó để những người biết và yêu bài thơ THỜI HOA ĐỎ của nhà thơ Thanh Tùng nhận thấy khi phổ nhạc, Nguyễn Đình Bảng đã thay đổi hai câu thơ khá quan trọng của bài, từ "cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi"  thành "Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi"  và "Như máu ứa một thời trai trẻ"  thành "Như nuối tiếc một thời trai trẻ". 
          "Những thay đổi nhỏ nhưng lại làm thay đổi hẳn tinh thần của tác phẩm. Tôi cho rằng, khi nhớ về những kỷ niệm xưa thường hay khiến người ta buồn. "tan tác"  và "máu ứa"  để ở thơ thì rất hợp vì đó là những từ rất ấn tượng, nhưng ở bài hát thì buồn quá. Tôi không muốn nỗi buồn quá bi lụy mà thích nó trong sáng, lạc quan hơn. Hơn thế nữa, sự thay đổi ấy khiến cho nỗi đau riêng của một người thành nỗi niềm hoài niệm, tiếc nuối của nhiều người hơn. Còn một sự thay đổi nữa ở ngay câu đầu tiên "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh dắt tay em bước dọc con đường vắng", được chuyển thành "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Bước lặng trên con đường vắng năm nao"  để tạo không gian lãng mạn, hai người như đang lặng lẽ đi trên con đường mòn về với kỷ niệm. Tôi có cảm giác nhà thơ không viết cho giới trẻ mà viết cho những người đã trải nghiệm nên khi phổ nhạc, tôi để điệp khúc "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi"  thành hát bè. Điều đó khiến cho ta có cảm giác như kỷ niệm ào ạt tràn về, và hai nhân vật trữ tình ấy được sống trọn vẹn trong không gian ấy..."
           Nhà thơ Thanh Tùng có tâm sự trên báo rằng :
          "Đầu những năm 90 của thế kỷ trước tôi tình cơ nghe được bài hát THỜI HOA ĐỎ trên sóng phát thanh. Cảm xúc khi nghe điệp khúc "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi" khiến tôi tưởng như bay lên. Âm nhạc của anh Nguyễn Đình Bảng chẳng những chắp cánh cho thơ ca mà còn giúp cho tôi vượt qua những hệ lụy đời thường đang trĩu nặng..."
            Bài thơ THỜI HOA ĐỎ được nhà thơ Thanh Tùng sáng tác để tưởng nhớ người vợ đầu đã mất của ông. Tuy chia tay nhau từ lâu nhưng ông vẫn thương nhớ bà và khi bà mất, nỗi bi thương trong lòng ông đã kết tinh thành THỜI HOA ĐỎ. Thanh Tùng cũng có một cuộc đời khá long đong, vất vả. Sau này, ca khúc được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm do Hội VHNT Hải Phòng trao tặng.

Không có nhận xét nào: