Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Hỏi nghề nghiệp làm gì


Khi không thuộc đường bất kỳ ai cũng dễ chạm phải cảnh sát giao thông. Mình cũng vậy. Vài lần bị cảnh sát giao thông túm phải nộp tiền, vài lần không. Rồi, qua những lần bị bắt lỗi ấy mình có bài học, muốn phổ biến lại cho mấy anh cảnh sát giao thông thay vì phổ biến cho những người vi phạm. Để có thiện chí kể ra kinh nghiệm này là vì dù có bị cảnh sát giao thông "móc túi" mấy lần, nhưng mình vẫn không ghét cảnh sát giao thông, bởi dẫu gì thì cũng tại mình phạm lỗi mà thành mồi cho các anh ý. 

Mình không nhớ hết các lần vi phạm, nhưng lần đầu bị cảnh sát giao thông túm do bám theo mấy cái xe chạy trước mà phạm phải lỗi vượt đèn vàng, nhanh thế nào mà anh cảnh sát giao thông lại "vợt" được. Chỗ ấy là ngã tư Cát Linh - Giảng Võ, run gần chết, vừa sợ, vừa tức vì mới lĩnh lương xong nên cố tình xòe ra đếm thật chậm đủ 300.000 đồng mà không nghĩ nổi nên làm thế nào cho cảnh sát giao thông phải "nể"! Cú. Năm ấy 300.000 là nhiều lắm vì dọa giam xe 20 ngày mà. 

Sau này, rút kinh nghiệm khi nhận ra lần nào các anh cũng hỏi nghề nghiệp, nơi làm việc, chồng làm gì... cho nên chẳng sợ nữa. Lần nào các anh cũng mang biên bản ra viết tên, thu tiền nhưng mục phạt các anh để trống, chờ mình đi mới điền. Nghĩ thương các anh ơi là thương!


Mấy lần gần đây, chẳng may phạm lỗi mình không còn bị phạt tiền nữa, chẳng biết sau đó các anh cảnh sát giao thông có rút ra bài học, kinh nghiệm gì khi lại để mình đi không mất đồng nào không? Còn mình, do rút ra kinh nghiệm từ những lỗi cơ bản của các anh khi chất vấn đối tượng vi phạm mà các anh cảnh sát giao thông chẳng thu nổi tiền của mình nữa. Câu đầu tiên các anh hỏi mình luôn là làm gì hoặc làm ở đâu, mình nghĩ để hạn chế tiêu cực, chống mất tiền nói làm ở đâu chẳng được nên những lựa chọn mình luôn nghĩ có thể trả lời đó là: Làm luật sư, làm giáo viên dạy luật, làm ở tòa án... chứ làm nhà báo thì mình không chọn!

Hôm thứ 7 tuần trước nữa, có việc phải đi về phía cầu Vĩnh Tuy, do chẳng biết đường nên đáng lẽ qua đường Lạc Trung thì lại cứ lái ô tô đi theo đường Kim Ngưu nên khi rẽ trái qua cầu Mai Động ra hướng Time City thì một anh cảnh sát giao thông đi cheo chéo qua mấy chiếc xe đang dừng phía trước, đến trước xe mình giơ tay chào. Thôi, thế là tèo, mình nghĩ vậy. Sau khi chìa cái GPLX theo yêu cầu mình được đề nghị chạy xe sang bên kia đường rồi quay lại bốt. Y như rằng, anh trong bốt hỏi mình nghề nghiệp, mình ngại ngần nói "Mình là luật sư" vì không thể nói khác khi trong người chỉ mang theo mỗi GPLX và cái thẻ luật sư. Nếu không mang theo thẻ luật sư thì mình mới có thể "tùy cơ ứng biến được".

Nghe xong, thấy mặt anh cảnh sát giao thông hơi tần ngần dù vẫn cao giọng nạt nộ:
- Chị rẽ trái, lỗi phạt một triệu đồng. Giấy tờ xe của chị đâu?
- Ôi, dừng xe lại quên mất không cẩm theo, để mình quay lại xe lấy.
Tuy nhiên, mình vẫn đứng với vẻ mặt cầu thị. Anh cảnh sát giao thông lại tiếp khi thấy mình chờ đợi:
- Chị vi phạm lỗi, nếu chị đi nộp phạt cũng như chúng tôi nộp thay chị thôi... (Hehe, biết ý anh rồi!)
- Lần đầu tiên mình đi qua đây, không để ý, mong các anh thông cảm.
- Chị nói thông cảm làm sao được, camera ghi lại hình ảnh, không thông cảm được chị ạ.
Mình im im, rồi tiếp.
- Thôi, cũng như cùng nghề, bạn thông cảm vì mình không cố ý.
- Thế ý chị thế nào? (Anh cảnh sát giao thông cao giọng)
- Ý mình là... thôi, thông cảm! (Mình cười và nghĩ, hiểu rồi!)
- Ý chị thế nào, chúng tôi cũng cần phải uống nước chứ?

Ối giời. Dân nói chẳng sai, vẫn tìm cách bắt dân hối lộ. Khi nào câu "ý thế nào?" phải do mình hỏi thì hãy nghĩ kiếm tiền nhé. Thiếu kinh nghiệm "móc" tiền của mấy đứa cứng đầu biết luật lại có bài học xương máu roài. Mình im im rồi nhe răng cười, thế quái nào anh cảnh sát giao thông đưa cái GPLX lại cho mình, giọng bực bực:
- Thôi, chị đi đi. 
- Ừ. Cảm ơn nhé!

Ớ ờ. ai bảo hỏi nghề nghiệp làm gì, cứ bơ bơ đi có phải "móc" được tiền của những đứa kiểu cần thời gian hơn tiền bạc như mình không? Hỏi nghề nghiệp làm gì!

Không có nhận xét nào: